Các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam
Chiều 4-12, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tiếp, làm việc với các diễn giả, các đại biểu doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo - Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Bình (ảnh) cho biết, đến nay, Việt Nam chưa có |
Các diễn giả, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo - Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh năm 2017 đã giới thiệu về những định hướng của các Tập đoàn, doanh nghiệp về kinh nghiệm thực tiễn triển khai công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực quan trọng; thể hiện cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam để sớm phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai một cách hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp thông minh. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 16 ngày 4-5-2016 về tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp thông minh - công nghiệp 4.0 còn khá rời rạc, chưa có sự kết nối đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể với Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó hầu hết các nước phát triển, các nước trong khu vực đều đã có chiến lược ứng phó.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ có những tác động làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của nền kinh tế các nước, đồng thời vẽ lại bản đồ kinh tế của thế giới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có tư duy, chiến lược, hành động mới để tận dụng thời cơ, cơ hội, vượt qua các thách thức của cuộc cách mạng này. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2030. Chiến lược này được thực hiện trong bối cảnh thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp hết, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu già đi vào năm 2030. Chính vì vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu trên. Trong định hướng về chính sách thời gian tới, Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và sẽ có những chính sách ưu đãi, hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quốc tế đến, áp dụng công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ban ngành mong muốn được nghe kinh nghiệm của các doanh nghiệp quốc tế để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách; áp dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường thuận lợi cho việc phát triển Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Bình cảm ơn các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cùng Việt Nam thực hiện Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời tin tưởng sự vào cuộc của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế sẽ góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
P.H