Báo Công An Đà Nẵng

Các tỉnh Tây Nguyên chủ động ngăn ngừa sốt xuất huyết lan rộng

Thứ hai, 01/08/2016 08:31

(Cadn.com.vn) - Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tại các tỉnh Tây Nguyên hiện có 6.038 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 4 trường hợp đã tử vong, tăng gần 15 lần so với năm 2015. Tỉnh Đắc Lắc là địa phương có số người mắc bệnh SXH nhiều nhất với 2.181 trường hợp, có 1 trường hợp đã tử vong;15/15 huyện, thị xã, thành phố, 145/184 xã, phường, thị trấn có người mắc bệnh SXH. Tỉnh Gia Lai có 17/17 huyện, thành phố, 130/222 xã, phường, thị trấn với 2.157 trường hợp mắc bệnh SXH. Tỉnh Kon Tum có 1.400 trường hợp mắc và có 2 trường hợp đã tử vong…

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, tình trạng bệnh nhân SXH tăng cao ở Tây Nguyên là do thời tiết biến đổi bất thường, thích hợp cho muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển; ý thức của người dân về công tác phòng chống bệnh SXH còn chủ quan, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Có nơi đồng bào còn xem nhẹ, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương còn khoán trắng cho ngành y tế…

Trước tình hình trên, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kiểm tra, khoanh vùng những khu dân cư có số người mắc bệnh SXH nhiều để phun thuốc diệt muỗi, không để lây lan ra diện rộng. Các tỉnh thành lập các tổ, đội xung kích tuyên truyền, vận động đồng bào phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom phế liệu, những vật dụng chứa nước… để muỗi không có nơi trú ngụ, sinh sản. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng khuyến cáo đồng bào các dân tộc sử dụng các loại thuốc, nhang, vợt bắt muỗi hoặc hun khói để chống muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn nhằm hạn chế tối đa muỗi đốt. Các tỉnh cũng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khi có biểu hiện sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, không được tự ý mua thuốc, mời thầy mo về cúng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

P.V