Báo Công An Đà Nẵng

Các trại tị nạn người Rohingya - “bom hẹn giờ” dịch Covid-19

Thứ hai, 23/03/2020 15:06

Các quan chức y tế cho biết, các trại tị nạn đông đúc và mất vệ sinh của Bangladesh có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.

Trẻ em Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong ở Bangladesh.   Ảnh: AFP

Nguy cơ cao

Hôm 17-3, khi Bangladesh xác nhận người đầu tiên tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2, nhiều người lo sợ loại virus gây chết người này sẽ sớm lan rộng khắp đất nước đông dân, nơi các dịch vụ y tế không đủ đáp ứng nhu cầu, ngay cả trong những thời điểm tốt nhất. Nếu điều đó xảy ra, hơn một triệu người tị nạn Rohingya hiện đang cư trú trong các trại đông đúc và mất vệ sinh dọc biên giới Bangladesh-Myanmar sẽ là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi đó, bất kỳ tiến triển nào về vấn đề hồi hương người tị nạn đến từ Myanmar, sẽ không thể thực hiện trong tương lai gần. Thật vậy, Myanmar đã đóng nhiều cửa khẩu biên giới bận rộn thường thấy với Thái Lan và Trung Quốc, trong khi Ấn Độ tạm dừng tất cả các hoạt động giao thông xuyên biên giới với nước láng giềng phía tây. Trong môi trường khẩn cấp toàn cầu hiện nay, việc gây áp lực quốc tế đối với Myanmar buộc nước này đưa người tị nạn trở về sẽ là vô ích và phản tác dụng.

Cũng trong ngày 17-3, khi Bangladesh ghi nhận người tử vong đầu tiên do dịch Covid-19, một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trụ sở tại nước này đã cảnh báo rằng mật độ dân số trong các trại cùng với điều kiện mất vệ sinh khiến người tị nạn dễ bị lây bệnh. Theo số liệu chính thức của LHQ, có khoảng 1,1 triệu người Rohingya ở Bangladesh, trong đó hơn 630.000 người sống ở Trại Kutupalong, được cho là trại tị nạn lớn nhất thế giới.

Các quan chức cho biết, cho đến nay chưa có trường hợp mắc Covid-19 nào được phát hiện trong các trại. Tờ Bangladesh Chronicle hôm 18-3 đưa tin, các nhân viên cứu trợ, đặc biệt là người nước ngoài, không được khuyến khích đến trại vì lo ngại họ có thể mang virus vào khu vực. Tất nhiên, sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn sự tương tác giữa người tị nạn và người ngoài vì nhân viên cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng người tị nạn, bao gồm cả việc chăm sóc y tế và cung cấp thực phẩm. Càng ít nhân viên y tế quốc tế trong các trại có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn nếu SARS-CoV-2 tấn công người tị nạn. Ngoài ra, những người tị nạn Rohingya cũng thường trốn khỏi các trại, tìm kiếm công việc ở các thị trấn và làng mạc xung quanh, cũng là một đường truyền bệnh có thể khác.

Dự đoán về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, Cao ủy Tị nạn LHQ đã chỉ thị cho các nhà quản lý trại giữ các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong khu vực cách ly tạm thời cho đến khi họ được chuyển đến các đơn vị cách ly được chỉ định đặc biệt. Tờ Bangladesh Chronicle cho rằng đây là một sáng kiến rất tốt nếu được thực hiện đúng cách, nhưng sẽ mất bao lâu để bệnh nhân được xét nghiệm, do Viện nghiên cứu và kiểm soát dịch tễ học Bangladesh hiện là cơ sở duy nhất có thể thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nước này?

Tình hình tồi tệ

630.000 người tị nạn ở Kutupalong   đang chen chúc vào một khu vực rộng khoảng 13km2, mật độ dân số hơn 40.000 người/km2, làm cho nó trở thành một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới. Hơn một nửa số người tị nạn là trẻ em, nhiều người trong số đó đang bị suy dinh dưỡng. Điều kiện vệ sinh trong các trại đã được cải thiện kể từ khi dòng người tị nạn ồ ạt đến đây vào tháng 8 và tháng 9-2017, nhưng việc tiếp cận nguồn nước sạch vẫn chưa thể thực hiện đầy đủ và chắc chắn không có đủ nhà vệ sinh.

Tình hình nghiêm trọng cũng xảy ra ngay cả bên ngoài các trại. Tờ Bangladesh Chronicle dẫn lời ông Saif Ullah Munshi, một chuyên gia về virus học địa phương, cho biết: “Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc, chúng tôi đã có hơn hai tháng để chuẩn bị. Nhưng chúng tôi không lường trước được mức độ nghiêm trọng của tình huống này”. Ông Saif cho biết, sai lầm lớn đầu tiên của Bangladesh là thất bại trong việc sàng lọc hành khách, bao gồm cả những người đến từ Italia và Đức, cả hai đều là những nhóm người đến từ những nước có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, tại các sân bay quốc tế của nước này. Khi mùa mưa đến gần, điều kiện sống vốn đã khắc nghiệt trong các trại chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù Myanmar và Bangladesh ký kết thỏa thuận hồi hương người tị nạn Rohingya, cho đến nay không có người tị nạn nào quay trở lại Myanmar thông qua các kênh chính thức. Với việc hồi hương không có khả năng thực hiện trong tương lai gần, các nhà chức trách Bangladesh đang tìm kiếm những nơi mà người tị nạn có thể được tái định cư tại nước này. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là con đường lây lan Covid-19 tiềm ẩn giữa người Bangladesh với người sống trong các trại tị nạn. Do đó, Bangladesh và các trại tị nạn Rohingya là “quả bom hẹn giờ” đối với việc bùng phát dịch Covid-19, một quả bom sẽ tàn phá một trong những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất thế giới.

AN BÌNH