Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong thanh tra, hậu kiểm kỳ thi THPT 2020
Tại hội nghị trực tuyến về Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 8-5, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành GD Mầm non kèm theo Thông tư 09 (sau đây viết tắt là Quy chế tuyển sinh năm 2020). Ba vấn đề được nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH đồng thuận, nhấn mạnh tại hội nghị đó là: Vai trò của các trường ĐH trong công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm kỳ thi THPT 2020; đẩy mạnh quyền tự chủ của các trường ĐH trong công tác tuyển sinh năm 2020 và nên hạn chế tổ chức thi riêng để không gây xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý thí sinh.
ĐHĐN và các trường thành viên tham gia trực tuyến công tác tuyển sinh. Ảnh: P.T |
Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản ổn định, ít gây xáo trộn
Phát biểu Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện lộ trình đổi mới trong công tác tuyển sinh, hàng năm, Bộ có sự điều chỉnh, bổ sung quy chế theo hướng tốt hơn. Theo đó, năm nay Quy chế tuyển sinh cơ bản giống năm 2019, nhưng có sự điều chỉnh, khắc phục những hạn chế và phù hợp với tình hình thực tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Liên quan đến phương án thi THPT 2020, ông cho biết, Bộ đã xin ý kiến để đưa ra phương án thi THPT phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Cũng theo Bộ trưởng, tuyển sinh đầu vào rất quan trọng nhưng cũng chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo. Điều quan trọng là các trường ĐH phải nâng cao chất lượng đào tạo, công khai thông tin minh bạch và đầy đủ về các ngành nghề đào tạo cũng như đầu ra cho người học được biết. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các trường cần thay đổi công tác tư vấn, hướng nghiệp ngành nghề, không nên chỉ chú trọng giới thiệu thế mạnh của nhà trường mà quên dự báo và thông tin cho người học biết rõ thực chất vấn đề đầu ra của từng ngành học...
Hầu hết ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường ĐH đều thống nhất Quy chế tuyển sinh năm 2020 vừa được Bộ ban hành. Trước tác động cùng những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều trường cho biết sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT 2020, hạn chế việc tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ phần mềm lọc ảo như các năm trước. Do năm nay các trường ĐH không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như những năm tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, chỉ tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, nên theo các trường ĐH, công tác này phải cần được đẩy mạnh.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi THPT 2020 sẽ ra bám sát như đề tham khảo. Nội dung ra trong chương trình THPT nhưng chủ yếu lớp 12, không ra những nội dung đã được tinh giản. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ GDĐT, muốn tuyển sinh tốt thì phải thực hiện tốt việc tổ chức kỳ thi THPT 2020. Theo đó, vai trò của các trường ĐH trong công tác thanh tra, hậu kiểm rất quan trọng.
Hằng năm, học sinh năm cuối cấp THPT đều tham gia tư vấn tuyển sinh để cân nhắc, chọn lựa ngành, nghề phù hợp. Ảnh: P.T |
Những điểm mới đáng lưu ý
Trong 11 điểm mới của Quy chế tuyển sinh năm 2020, các đại biểu đặc biệt đánh giá cao việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong công tác tuyển sinh, thể hiện rõ ở điều 12.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, điểm mới được quy định tại điều 12 là hành lang pháp lý để các trường an tâm tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của các trường ĐH là tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập quốc tế. "Năm nay, các cơ sở GD ĐH có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tuyển sinh theo Nghị định 99/ 2019/NĐ-CP nhưng đi kèm theo đó là trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng. Các cơ sở GD ĐH phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Một điểm mới cũng được các đại biểu quan tâm đó là từ năm nay các trường đào tạo Sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm; chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Điều này phù hợp với Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Đại diện đến từ Trường ĐHSP Hà Nội đề nghị cần duy trì ngưỡng đầu vào chất lượng đối với các trường đào tạo sư phạm, giáo viên. Trước các ý kiến liên quan đến việc hỗ trợ lọc ảo trong công tác tuyển sinh, kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở GD ĐH về vấn đề này.
Bên lề hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc ĐH Đà Nẵng- cho biết, ĐHĐN giữ nguyên 4 phương thức tuyển sinh đã được công bố trước đó, đồng thời cho biết phương án tuyển sinh của ĐHĐN phù hợp với Quy chế và Thông tư mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành. Sau cuộc họp trực tuyến trên, ĐHĐN đã làm việc với các trường thành viên chốt lại các vấn đề liên quan cũng như tính toán, xác định chỉ tiêu cụ thể cho từng phương thức, hoàn thiện đề án tuyển sinh của trường trình ĐHĐN xem xét để sớm công bố cho thí sinh được biết. Dự kiến, các khâu này sẽ hoàn thiện và công bố trong tháng 5.
PHAN THỦY