Báo Công An Đà Nẵng

Cách chống dịch “ngược dòng” thế giới của Thụy Điển: Thành hay bại?

Thứ năm, 30/04/2020 16:31

Thụy Điển nói rằng, cách chống dịch “nói không” với lệnh phong tỏa hoàn toàn của họ đã có hiệu quả. Tuy nhiên, những con số thực tế gợi ra một câu chuyện khác.

Một nhân viên mặc áo ghi dòng chữ: “Hãy giữ khoảng cách. Tiêu diệt Covid-19” tại công viên Cung điện Ulriksdal ở Stockholm vào ngày 21-4.  Ảnh: CNN

Thụy Điển là một ngoại lệ trong cuộc chiến chống Covid-19. Nước này đã không đứng cùng trận tuyến với nhiều quốc gia láng giềng Châu Âu trong việc áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan trong cộng đồng. Hình ảnh thường ngày vẫn tồn tại ở nước này trong thời đại dịch: người dân xuống phố đông đúc, trò chuyện thoải mái tại các quán cà-phê và quán bar.

Sự tương phản rõ nét

Nhà chức trách Thụy Điển vẫn thực hiện một số biện pháp hạn chế như cấm tụ tập đám đông hơn 500 người, đóng cửa trường đại học và khuyên người dân làm việc ở nhà nếu có thể.

Nhưng trường học cho học sinh đến 16 tuổi vẫn mở cửa trong khi dịch vụ xe lửa và xe buýt vẫn hoạt động tại thủ đô Stockholm. Các doanh nghiệp - từ tiệm làm tóc đến nhà hàng - vẫn mở, mặc dù mọi người đã được khuyên làm việc tại nhà nếu có thể. Truyền thông địa phương đăng tải thông tin hàng ngàn người kéo đến các khu trượt tuyết mà mãi đến cuối tháng 3 mới đóng cửa vào ban đêm. Vào ngày 7-4, chính phủ đã đưa ra một dự luật cho phép hành động nhanh chóng và đưa ra quyết định về các biện pháp tạm thời khi cần thiết. Các chuyến thăm trung tâm dưỡng lão đã bị cấm từ ngày 1-4 trong khi Bộ Y tế và Xã hội yêu cầu mọi người không đi du lịch nếu không cần thiết và khuyến cáo: "Giữ khoảng cách”.

Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu - nơi có chung các thuộc tính văn hóa, địa lý và xã hội học – có sự tương phản rất lớn với Thụy Điển. Phần Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học và cấm tụ tập hơn 10 người vào ngày 16-3, hạn chế đi lại và đến khu vực Uusimaa vào ngày 28-3 và đóng cửa các nhà hàng, quán cà-phê và quán bar vào ngày 1-4. Đan Mạch tuyên bố đóng cửa vào ngày 11-3 và là một trong những nước đầu tiên ở Châu Âu đóng cửa biên giới, cửa hàng, trường học và nhà hàng, và cấm các cuộc tụ họp lớn. Na Uy bắt đầu đưa ra các hạn chế du lịch vào giữa tháng 3 và kể từ đó cũng tuyên bố đóng cửa các trường học và trung tâm giữ trẻ, cấm các khu nghỉ dưỡng hoạt động, các sự kiện bị hủy bỏ và các doanh nghiệp đóng cửa.

Khó so sánh trực tiếp

Nhiều chuyên gia y tế Thụy Điển không đồng tình với chiến lược chống Covid-19 của nhà chức trách. Ông Joacim Rocklov, chuyên gia dịch tễ học tại Trường Đại học Umea, nhận định chính quyền đang đặt sức khỏe người dân trước nhiều rủi ro vì vẫn còn nhiều điều chưa biết về Covid-19. Tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển hiện đã tăng cao đáng kể so với nhiều quốc gia khác ở Châu Âu, với hơn 22/100.000 người, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Ngược lại, Đan Mạch ghi nhận chỉ hơn 7 người chết trên 100.000 người, và cả Na Uy và Phần Lan chưa đến 4 người.

Đan Mạch và Na Uy hiện đang bắt đầu nới lệnh phong tỏa, trong đó trẻ em đã được phép đến trường trong 10 ngày qua, với điều kiện ngồi cách nhau 2m. Các cửa tiệm và các doanh nghiệp khác sẽ mở cửa trở lại ở Na Uy từ ngày 4-5 trong khi Phần Lan gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ngày 13-5. Xa hơn nữa, Cộng hòa Czech, nơi có dân số tương tự - 10,7 triệu người - như Thụy Điển, đã ghi nhận 7.449 ca nhiễm và 223 người chết - với tỷ lệ khoảng 2 người chết trên 100.000 người. Cộng hòa Czech đã có cách tiếp cận khác bằng cách đóng cửa trường học, đóng cửa nhà hàng và quán bar và hầu hết các cửa hàng, hạn chế đi lại và kiểm dịch bắt buộc đối với du khách đến từ các khu vực có nguy cơ ngay từ đầu tháng 3. Nước này cũng bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Thụy Điển không có nhiều người chết như Italia hay Tây Ban Nha, nơi ghi nhận khoảng 45 và 51 người chết trên 100.000 người, hoặc thậm chí là Vương quốc Anh, nơi đã có khoảng 32 người chết trên 100.000 dân. Nhưng có nhiều sự khác biệt phức tạp khác nhau giữa Thụy Điển và các quốc gia này khiến việc so sánh trực tiếp là khó khăn hơn, chẳng hạn như Italia có dân số già hơn, nhiều người hút thuốc hơn và số lượng lớn các hộ gia đình đa quốc gia sống gần gũi.

Nhiều tranh cãi

Vào ngày 28-3, một bản kiến nghị do 2.000 nhà khoa học Thụy Điển, bao gồm Carl-Henrik Heldin, Chủ tịch Quỹ Nobel, được trình lên kêu gọi chính phủ "lập tức thực hiện các bước để tuân thủ các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)” trong phòng chống dịch.

Các nhà khoa học nói thêm: "Các biện pháp nên nhằm mục đích hạn chế nghiêm ngặt sự tiếp xúc giữa mọi người trong xã hội và tăng đáng kể khả năng kiểm tra người mắc Covid-19". “Những biện pháp này phải được thực hiện càng sớm càng tốt", họ viết trong bản kiến nghị và nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta không nên là một ngoại lệ đối với cuộc chiến ngăn chặn đại dịch”.

Bản kiến nghị cáo buộc chính phủ cố gắng “tạo ra khả năng miễn dịch bầy đàn, giống như cách áp dụng trong dịch cúm”. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Điển đã phủ nhận có chiến lược để tạo ra khả năng miễn dịch bầy đàn, như cách chính phủ Anh đã từng bị cáo buộc - dẫn đến sự chỉ trích rộng rãi - trước khi London thi hành lệnh phong tỏa chặt chẽ. Lena Hallengren, Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Thụy Điển, nói với CNN: "Không có chiến lược nào tạo ra khả năng miễn dịch bầy đàn để đáp ứng với Covid-19 ở Thụy Điển. Chúng tôi có chung mục tiêu như tất cả các quốc gia khác - để cứu sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Nhưng Jan Albert, giáo sư Khoa Vi sinh, Khối u và Sinh học Tế bào tại Viện Karolinska, vẫn khẳng định rằng: “Rõ ràng rằng Thụy Điển đã có nhiều người chết hơn nhiều nước Châu Âu khác cho đến nay, và đó có lẽ ít nhất là một phần vì chúng ta đã không bị khóa chặt như các nước khác”. Nhưng ông nói rằng, ông tin phần lớn các nhà khoa học ở Thụy Điển đã "tương đối im lặng" về kế hoạch miễn dịch bầy đàn vì họ nghĩ rằng nó có thể có tác dụng.

Người dân ở thủ đô Stockholm, Thuỵ Điển vẫn duy trì cuộc sống bình thường trong đại dịch.  Ảnh: CNN

Chưa thể kết luận

Theo Giáo sư Albert, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Thụy Điển đang đối phó với đại dịch rất tốt. Giám đốc điều hành tại Viện Kinh tế Y tế Thụy Điển (IHE) Peter Lindgren cũng cho rằng, số người được điều trị tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt trong nhiều tuần đã ổn định, “vì vậy trong khía cạnh này, chính sách của chúng tôi đã thành công”.

Nhưng ông nói thêm: "Điều thất bại là, tôi nghĩ rằng dịch bệnh lây lan vào các cơ sở dưỡng lão. Đã có nhiều ca tử vong từ đó”. Bà Hallengren, Bộ trưởng Y tế Thụy Điển, nhấn mạnh, “một trong những mối quan tâm chính hiện nay ở Thụy Điển là tăng cường bảo vệ cho những người sống trong các trung tâm dưỡng lão”. Vì vậy, hiện vẫn còn “quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào việc thành hay bại từ các biện pháp được thực hiện ở Thụy Điển”.

Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển tuần này dự báo, gần 1/3 số người ở Stockholm sẽ bị mắc Covid-19 cho đến ngày 1-5 tới, tức là khoảng hơn 200.000 người - cao hơn nhiều so với số ca được ghi nhận trên toàn quốc cho đến nay. Chưa đầy 24 giờ sau, đã tuyên bố về sự nhầm lẫn khi cơ quan y tế thông báo trên Twitter rằng họ đã "phát hiện ra lỗi" trong báo cáo, nhưng sau đó cho biết mô hình toán học của họ đã được cập nhật và nhắc lại rằng, 26% dân số Stockholm sẽ bị nhiễm bệnh cho đến ngày 1- 5.

Họ nói rằng, có khoảng 75 ca chưa được xác nhận cho mỗi trường hợp được báo cáo - nhưng đỉnh điểm lây lan dịch bệnh đã qua. Nhà nghiên cứu dịch tễ học chính phủ Thụy Điển, ông Anders Tegnell, cho biết, đất nước của ông sẽ chống dịch tốt nếu bùng phát làn sóng thứ 2 vì rất nhiều người ở Thụy Điển hiện đã tiếp xúc với virus. Khi được hỏi liệu số người chết có thấp hơn không nếu Thụy Điển đi theo con đường tương tự như các nước Châu Âu khác, ông Tegnell trả lời: “Đó là một câu hỏi rất khó trả lời trong giai đoạn này. Ít nhất 50% số người chết là tại những trung tâm dưỡng lão và chúng tôi gặp khó khăn trong việc làm thế nào để ngăn chặn làn sóng lây lan ở đây bằng việc phong tỏa”.

Chưa rõ chiến lược Covid-19 của Thụy Điển thành công hay thất bại cho đến nay, nhưng khi các quốc gia trên toàn thế giới kiểm đếm số người chết, họ sẽ tự hỏi liệu có thể làm gì nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của virus. 

KHẢ ANH