Cách làm hay ở Hòa Phú
(Cadn.com.vn) - Những con đường bê-tông phẳng phiu, vườn cây trĩu quả, nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, trường học kiên cố... là những đổi thay nhanh chóng tại xã miền núi Hòa Phú, H. Hòa Vang (Đà Nẵng).
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải giải thích, thành công trên nhờ việc đổi mới cách làm để thực hiện từng tiêu chí, lĩnh vực là mục tiêu mà lãnh đạo xã đặt ra khi nhận nhiệm vụ. "Chúng tôi đã phân công cán bộ bám sát từng thôn, theo dõi từng hộ, tuyên truyền vận động thuyết phục, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương, đồng thời giúp nhân dân ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới"- ông Hải nói.
Theo ông Hải, cách làm của Hòa Phú là cái gì dễ làm trước, cái khó làm sau bởi đối với một xã miền núi như Hòa Phú, khó khăn còn nhiều, vật lực còn hạn chế, không thể đồng loạt một lúc thực hiện nhiều tiêu chí. Địa phương cũng có kế hoạch phân kỳ, hạn định mốc thời gian hoàn thành từng tiêu chí, từng địa bàn, từng lĩnh vực. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện còn dựa trên đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để ưu tiên lựa chọn thực hiện trước những nội dung cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, lãnh đạo có quyết tâm, nhiệt huyết mà lòng dân không thuận thì cũng khó thành công. Hòa Phú lại là xã đặc thù về thành phần dân tộc, trên địa bàn xã có hơn 10% dân số là đồng bào Cơ Tu. Nhận thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Làm cho bà con hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới không phải là điều gì mơ hồ, xa xôi, mà chính là xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của xã nhà, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Nhờ vậy, mà khi xã triển khai phát động chủ trương này thì nhân dân hưởng ứng một cách tích cực, tự giác hiến 3.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, góp 500 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa và 100% đồng thuận sử dụng nước hợp vệ sinh.
Bên cạnh sự đóng góp về tài nguyên, tiền của, công sức của người dân, việc tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, thành phố...và các tổ chức, đơn vị cũng được xã quan tâm. Trong giai đoạn vừa qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới địa phương đạt 104 tỷ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp là 16 tỷ đồng. Và, tất cả nguồn vận động đó hóa thành đường bê- tông, vườn cây trĩu quả, nhà sinh hoạt cộng đồng , trường học... hiện nay ở Hòa Phú.
Mộc Miên