Báo Công An Đà Nẵng

Cách làm hay trong phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội

Thứ ba, 06/04/2021 15:41

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).

  Cán bộ Công an tuyên truyền cho người dân biện pháp phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội tại trụ ATM.

Theo đó, các đối tượng dùng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện, đưa ra thông tin bị hại liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền... để yêu cầu bị hại chuyển tiền phục vụ điều tra; dùng thủ đoạn kết bạn trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để tặng quà có giá trị lớn và thông báo hàng gửi về bị tạm giữ, bị hại phải đóng thuế, cước hoặc lo lót để nhận hàng. Bên cạnh đó, Công an thị xã Điện Bàn còn ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân về việc nhận được các cuộc gọi nội dung thông báo trúng thưởng, có quà gửi từ nước ngoài về có đầu số lạ như: +252, +247, +232, +373,...

Để chủ động phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do loại tội phạm này gây ra, các cơ quan, ban ngành, địa phương thị xã Điện Bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân biết về những phương thức thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Bằng phương pháp tuyên truyền in màu các tờ rơi trên khổ giấy A4 niêm yết tại 9 ngân hàng, 3 quầy giao dịch và 12 trụ ATM trên địa bàn thị xã, người dân đến giao dịch tại ngân hàng hoặc rút tiền, chuyển tiền qua ATM đều được đọc khuyến cáo của cơ quan Công an, biện pháp phòng chống, qua đó giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.  

Bà N.T.Đ (1963, trú khối phố 5, P. Vĩnh Điện, Điện Bàn), người tới giao dịch tại một ngân hàng cho biết: Sáng cùng ngày, bà nhận được 1 cuộc điện thoại, đầu dây bên kia là một người đàn ông, tự giới thiệu là “cán bộ Công an đang công tác tại Bộ Công an”. Người này có nói bà đang liên quan tới một vụ án ma túy nên yêu cầu bà rút hết toàn bộ số tiền tiết kiệm để chuyển vào một tài khoản mà đối tượng yêu cầu để chứng minh mình vô tội. Do sợ hãi cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về các thủ tục, quy định của cơ quan Công an khi làm việc nên bà đã chủ động tới ngân hàng để yêu cầu rút toàn bộ số tiền tiết kiệm mình đang có là gần 200 triệu đồng và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản của đối tượng đã cung cấp trước đó… Rất may cho bà Đ, vì tại ngân hàng nơi bà thực hiện giao dịch, các nhân viên tại quầy giao dịch ở đây đều đã được Công an tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao nên khi thấy nhiều biểu hiện nghi ngờ đã tạm thời ngưng yêu cầu giao dịch của bà và ngay lập tức báo tin cho Công an thị xã Điện Bàn.

   Đại tá Lê Trung Hai- Trưởng Công an thị xã Điện Bàn cho biết: cách làm trên của đơn vị ban đầu được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Ngoài việc niêm yết tờ rơi tại các Ngân hàng, đơn vị cũng đã triển khai đến trụ sở Công an 20 xã, phường, nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, các điểm cấp CCCD lưu động và trụ sở 140 thôn, khối phố trên địa bàn.

“Cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không giao dịch với số điện thoại có đầu số lạ; không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được họ là ai và sử dụng thông tin của mình vào mục đích gì; không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, thông tin tài khoản và thẻ tín dụng ngân hàng; tuyệt đối không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai; khi có nghi ngờ về các trường hợp lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện xử lý”, Đại tá Lê Trung Hai khuyến cáo.

Phan Thanh Hồng