Báo Công An Đà Nẵng

Cái bắt tay lịch sử

Thứ bảy, 11/04/2015 11:21

(Cadn.com.vn) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez ngày 10-4 (giờ Việt Nam) nhóm họp tại Panama ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), đánh dấu cuộc gặp cấp cao nhất giữa 2 bên trong hơn 50 năm qua.

Cả hai tổ chức các cuộc thảo luận kín, tại một khách sạn ở thành phố Panama, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng với lãnh đạo các quốc gia ở Tây bán cầu đến đây tham dự sự kiện được tổ chức 3 năm/lần này. Đây là lần gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau tuyên bố lịch sử về việc bình thường hóa quan hệ song phương hồi tháng 12-2014.

Những nội dung chi tiết về cuộc gặp gỡ cấp cao này không được tiết lộ nhiều. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ cho biết, cả hai đạt nhiều tiến triển. Tuy nhiên, hình ảnh ông John Kerry bắt tay ông Bruno Rodriguez chính là biểu tượng hàn gắn quan trọng trong mối quan hệ La Havana - Washington. Trên thực tế, cuộc họp cấp cao nhất giữa Mỹ và Cuba sau cuộc Cách mạng Cuba diễn ra hồi tháng 4-1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon và cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Kể từ đó, quan hệ hai quốc gia xấu đi nhanh chóng và kéo dài hơn 50 năm qua.

Đám mây u ám đang dần tan đi kể từ khi nhà lãnh đạo hai quốc gia tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương hồi tháng 12-2014, từng bước xúc tiến chấm dứt kiểu quan hệ thù địch. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10-4 cũng báo cáo đề nghị loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, từng bước mở đường cho hai nước mở lại đại sứ quán.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba (cùng với Iran và Syria) vào danh sách các nước tài trợ khủng bố từ năm 1982, và kèm theo loạt các biện pháp trừng phạt tự động hà khắc về tài chính, thương mại và chính trị. Việc Washington vẫn để La Havana nằm trong danh sách này cho đến nay rào cản lớn nhất cho việc mở lại đại sứ quán tại mỗi nước, vốn được Mỹ kỳ vọng thực hiện trước Hội nghị Thượng đỉnh OAS này. Nhưng việc loại Cuba khỏi danh sách này là quyết tâm của ông Obama, vì thế, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ công bố quyết định đưa Cuba ra khỏi "danh sách đen" tại Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần này.

Đối với ông Obama, đây là bước tiến ngoại giao quan trọng trong đó muốn chứng tỏ để nhà lãnh đạo Cuba thấy ông là người nói được làm được. Đối với Cuba, việc được đưa ra khỏi "danh sách đen" là ưu tiên quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai bên. Nếu ông Obama quyết định chấp nhận đề nghị của Bộ Ngoại giao, Quốc hội sẽ có 45 ngày để quyết định xem xét trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với chỉ trích gay gắt từ cả Thượng viện và Hạ viện vì chính sách mềm mỏng đối với Cuba.

Rõ ràng, bất chấp khoảng cách chính trị rất lớn, ông Obama và ông Castro đang đứng trước cơ hội tiếp tục làm nên lịch sử tại Panama.

Thanh Văn