Báo Công An Đà Nẵng

Cái bắt tay Nga – Vatican

Thứ năm, 11/06/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh bị phương Tây “dồn vào chân tường”, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng tìm thấy “nguồn sáng” trong cuộc gặp Giáo Hoàng Francis hôm 10-6.

Xung đột ở Ukraine và Trung Đông chi phối cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giáo Hoàng Francis, diễn ra bên lề  chuyến thăm gian hàng của Nga tại Hội chợ Triển lãm Milan 2015.

Tổng thống Nga Putin trong lần gặp gỡ Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican năm 2013.
Ảnh: EPA

CUỘC GẶP GỠ  QUAN TRỌNG

Tổng thống Putin không được chào đón tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 do những cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hôm 10-6, chỉ 2 ngày sau cuộc họp của các cường quốc phương Tây ở Đức, nhà lãnh đạo Nga có cuộc họp quan trọng với vị lãnh đạo có tiếng nói trên thế giới: Giáo Hoàng Francis.

Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa ông Putin và Giáo hoàng Francis, diễn biến mới nhất trong mối quan hệ lâu dài nhưng cũng đầy sóng gió giữa Kremlin và Vatican. Cuộc gặp lần đầu tiên vào tháng 11-2013, lúc đó, bán đảo Crimea vẫn chưa sáp nhập về với Nga. Kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, mà phương Tây cáo buộc do Nga giật dây, gần 7.000 người thiệt mạng trong khi khoảng 1,2 triệu người phải di dời, diễn biến khiến Giáo hoàng Francis lo ngại. Tuy nhiên, Moscow tiếp tục bác bỏ mọi liên quan đến xung đột Ukraine, như cáo buộc điều quân qua biên giới hay vũ trang cho phe nổi dậy ở miền đông. Mặc dù vậy, Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn gia tăng áp lực buộc Nga đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lớn này.

Tòa Thánh Vatican cũng bàn về xung đột Ukraine với Nga nhưng chủ yếu nỗ lực xây dựng các mối quan hệ ngoại giao với Điện Kremlin. Cả hai chỉ có quan hệ ngoại giao đầy đủ trong 6 năm qua sau khi mất nhiều năm để xây dựng mối liên kết sau một nửa thế kỷ lạnh giá. Không có giáo hoàng nào từng đến thăm Nga. Và thậm chí, khi lần đầu tiên gặp Giáo hoàng Francis vào tháng 11-2013, Tổng thống Putin cũng không mời Giáo hoàng Francis đến thăm Nga.

MỸ LO NGẠI

Theo Time, cuộc gặp giữa ông Putin và Giáo Hoàng Francis đang khiến Mỹ thật sự lo ngại.

Trên thực tế, Nhà Trắng đang nỗ lực khuyến khích Tòa thánh Vatican đóng vai trò lớn hơn nhằm lên án hành động của Moscow ở Ukraine. Hôm 9-6, Đại sứ Mỹ tại Vatican, Kenneth Hackett, cho biết,  Mỹ “muốn thấy Vatican tăng cường vai trò” trong mối quan tâm về những gì đang xảy ra ở Ukraine với ông Putin. “Chúng tôi nghĩ rằng, họ có thể nói về vấn đề gì đó về sự toàn vẹn lãnh thổ, hoặc những vấn đề tương tự”, ông  Hackett nói với các phóng viên. Trong nỗ lực cô lập Nga, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew tuyên bố, Washington và các đồng minh trong Nhóm G7 sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow nếu cần thiết nhằm đáp trả các hành động gây hấn của Moscow tại đông Ukraine.

“Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine” là câu mà Tổng thống Obama liên tục nhắc khi nói đến vai trò của Moscow trong cuộc chiến này trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua. “Ông Putin đã đưa ra quyết định: Liệu ông tiếp tục phá hỏng nền kinh tế của đất nước và tiếp tục cô lập Nga khi cố theo đuổi chiến lược sai lầm là mong muốn tái tạo lại những vinh quang thời Liên Xô”, ông Obama tuyên bố.

Tuy nhiên, Tòa thánh hiện rất thận trọng khi bàn về vấn đề Ukraine.   Ông từng viết thư cho Tổng thống Putin khi chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào năm 2013 và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ở đó phản đối sự can thiệp quân sự tại Syria. Lập trường này khiến Tổng thống Putin rất hài lòng. Hiện nay, dù bày tỏ lo ngại về những tổn thất nhân mạng quá lớn trong xung đột Ukraine và kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn, nhưng khác với Mỹ hay Liên minh Châu Âu (EU),Giáo Hoàng không công khai lên án hay đổ lỗi cho Nga.

Động thái này phản ánh nỗ lực rõ ràng của Giáo Hoàng Francis: không làm gia tăng căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo với Giáo Hội Chính Thống Nga. Và giới phân tích cho rằng, cuộc họp lần này giữa Nga và Vatican là thử nghiệm ngoại giao quan trọng của Giáo hoàng Francis.

Khả Anh