Báo Công An Đà Nẵng

“Cái chết êm ái” của thủ lĩnh mạng lưới Haqqani

Thứ tư, 05/09/2018 17:00

Phiến quân Taliban ngày 4-9 thông báo, Jalaluddin Haqqani, người thành lập mạng lưới phiến quân Haqqani vào thập niên 1970 - một trong những nhóm mạnh nhất và đáng sợ nhất trong cuộc nổi dậy ở Afghanistan, đã qua đời sau thời gian dài lâm bệnh.

Jalaluddin Haqqani (phải) chỉ vào bản đồ Afghanistan trong chuyến đi đến Islamabad, Pakistan năm 2001 trong khi con trai y, Naziruddin (trái) chăm chú nhìn vào bản đồ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố với báo giới, phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid cho biết, Jalaluddin Haqqani qua đời “sau một trận chiến dài với bệnh tật”, nói thêm rằng, y đã “ốm yếu và nằm liệt giường trong nhiều năm qua”.

Jalaluddin đã giao vai trò điều hành hoạt động của mạng lưới này cách đây vài năm cho con trai là Sirajuddin Haqqani, hiện là chỉ huy số hai của Taliban tại Afghanistan. Phát ngôn viên phụ trách Quốc phòng của mạng lưới, Mohammad Radmanish cho biết, cái chết của Jalaluddin không gây ra bất kỳ thay đổi lớn nào đối với mạng lưới Haqqani. Trong những năm gần đây, đã có vài lần báo giới đưa tin về cái chết của Jalaluddin, nhưng chưa bao giờ được xác nhận. Tuy vậy, y đã không giữ vai trò điều hành hoạt động trong một thời gian. “Jalaluddin đã già và bị các vấn đề sức khỏe và đã giao việc điều hành mạng lưới cho con trai cả, Sirajuddin Haqqani, và những người con trai khác”, một nguồn tin Taliban gần gũi với gia đình Haqqani nói.

Trong tuyên bố, Taliban cho biết, Jalaluddin nằm trên giường bệnh trong nhiều năm. “Jalaluddin đã khởi động phong trào về mặt thể chất, nên ý thức hệ và phương pháp luận của ông sẽ tiếp tục được áp dụng”, Taliban cho biết trong tuyên bố.

Kẻ đứng sau nhiều vụ tấn công lớn

Mạng lưới Haqqani được thành lập trong thập niên 1980. Và “cha đẻ” Jalaluddin nổi tiếng sau những cuộc tấn công kinh hoàng ở Afghanistan và từ đó thu hút sự chú ý của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Là người nói tiếng Arab thông thạo, Jalaluddin cũng nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với các lãnh đạo thánh chiến Arab, trong đó có Osama bin Laden, người đã đổ xô đến khu vực này trong thời chiến. Sau đó, Jalaluddin trở thành một bộ trưởng trong chế độ Taliban. Là một nhánh Taliban, Haqqani bị cáo buộc gây ra nhiều cuộc tấn công tự sát tàn bạo nhất trên khắp Afghanistan kể từ khi Mỹ kéo quân đến nước này vào năm 2001. Các nhà phân tích từ lâu nghi ngờ, Haqqani đứng sau một số vụ tấn công lớn tại Kabul mà IS đứng ra nhận trách nhiệm trong những năm gần đây.

Trong số các vụ tấn công ngoạn mục, Haqqani bị buộc tội giết khoảng 150 người ở trung tâm Kabul bằng một quả bom gắn trên xe tải vào tháng 5-2017 - mặc dù Sirajuddin sau đó phủ nhận. Mạng lưới này cũng bị buộc tội ám sát các quan chức hàng đầu của Afghanistan và bắt cóc những người phương Tây để đòi tiền chuộc. Bị Washington gắn mác là một nhóm khủng bố, Haqqani là mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong khu vực.

Liên kết với Pakistan?

Sau khi Mỹ kéo quân đến Afghanistan, các phần tử Taliban vượt biên giới vào Pakistan, tập hợp lại trước khi tung ra nhiều cuộc nổi dậy chống lại người Mỹ. Haqqani cũng vậy. Mạng lưới này phối hợp thực hiện các vụ tấn công nhằm vào NATO từ thành trì của nhóm ở Miranshah, thị trấn lớn nhất ở Bắc Waziristan, một trong những khu vực bộ lạc dọc theo biên giới với Afghanistan.

Mỹ mở nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chống lại nhóm, trong khi quân đội Pakistan có các hoạt động quân sự ở Bắc Waziristan kể từ năm 2014. Hiện, Islamabad khẳng định không có nơi trú ẩn an toàn nào cho  phiến quân còn sót lại trên đất Pakistan. Một số nguồn tin nói rằng, áp lực buộc nhiều phần tử Haqqani phải lẩn trốn hoặc vượt biên giới vào Afghanistan, một tuyên bố chưa thể xác nhận. Nhiều nguồn tin cho rằng, Jalaluddin đã ở Pakistan trong những năm gần đây, nhưng không có xác nhận nào về nơi y đã qua đời.

Trong khi đó, Pakistan sử dụng Haqqani để chống lại Ấn Độ, kẻ thù của nước này ở phía đông. Haqqani thường xuyên bị cáo buộc tấn công người Ấn Độ ở Afghanistan, dẫn đến nghi ngờ mạng lưới này liên kết với các cơ sở quân sự ngầm của Pakistan, mạng lưới được Đô đốc Mỹ Mike Mullen mô tả vào năm 2011 là một “cánh tay thực sự” của tình báo Pakistan.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Với sự lãnh đạo chắc chắn của Sirajuddin, cái chết của Jalaluddin có thể không có nhiều tác động đến chiến lược hoạt động của mạng lưới.

Washington, vốn tin rằng Pakistan đang chơi trò hai mặt, từ lâu đã gây áp lực buộc Islamabad mạnh tay với các nhóm phiến quân, và Haqqani là một ưu tiên hàng đầu. Islamabad đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố này. Hôm 1-9, Lầu Năm Góc thông báo hủy 300 triệu USD viện trợ cho Pakistan vì thiếu hành động “quyết định” chống lại các nhóm phiến quân. Việc cắt giảm, một phần của kế hoạch được công bố bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1, được coi là một nỗ lực của Washington để uốn Pakistan theo ý mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những động thái này quá ít, quá muộn, và cho đến khi Mỹ chưa thể giải quyết những lo ngại của Pakistan về Ấn Độ, Islamabad sẽ không lay chuyển sự ủng hộ của họ đối với các nhóm phiến quân.

AN BÌNH