Báo Công An Đà Nẵng

Cái cụi

Thứ ba, 30/03/2021 15:53

Tình cờ lướt facebook, thấy đứa bạn thân giờ ở Sài Gòn đăng hình cái chạn bếp lên, với cái "tút" thiệt là dễ thương và đơn giản: "Một thời của bất cứ ai"... Tôi giật mình, và liền nhớ đến cái chạn bếp của nhà mình ngày nào. Nhớ rất rõ, nhà tôi hồi đó có cái chạn bếp bằng gỗ, cửa lưới sắt như bao gia đình khác ở quê. Và cái chạn bếp cũ kỹ ấy đến bây giờ vẫn còn, còn cả bộ bàn với hai cái ghế băng dài nữa, để mỗi lần tôi trở về quê, nhìn những đồ vật ấy mà bồi hồi nhớ...

Cái cụi của mẹ.

Ở quê tôi xứ Quảng gọi cái chạn bếp làm bằng gỗ là cái cụi. Khi tôi lớn lên, đã nhìn thấy cái cụi gỗ này trong nhà. Cái cụi được đặt ở gian nhà bếp, bốn chân được đặt vào bốn chén đất đổ đầy nước để ngăn kiến bò vào. Bình thường, cái cụi là nơi cất giữ hầu hết những thứ liên quan đến bếp núc: nồi chảo, mắm, ruốc, muối, ớt, mỡ, cơm nguội, các loại thức ăn... Việc cất giữ thức ăn thường là chỉ tạm bợ trong một ngày hoặc qua đêm, đôi khi do đóng cửa cụi không chặt hay sao đó, ban đêm con mèo nhà tôi đã hất toang cửa chui vào ăn gọn hết. Buổi sáng sớm đã nghe tiếng mẹ tôi thảng thốt: Ui chao, xong om, mèo hắn "phất" hết rồi... ! Nghe thế tôi bật dậy, tỉnh ngủ luôn, chạy xuống bếp nhìn cái cụi trống không chỉ còn vài chai lọ mắm muối gia vị mà buồn tiu nghỉu... 

Cái cụi- nơi cất giữ thức ăn nên cũng dễ hiểu, đó là nơi mà mấy đứa trẻ con hay dòm ngó nhất. Cứ như thói quen, đi chơi hay đi học về là lục cụi, có cái gì là ăn cái nấy, có khi chẳng có gì ngoài mấy ít khoai, sắn hay vài trái ổi chín hường... Ngoài ra, có lúc mẹ để trong cụi một mớ cá, tôm tép hay thịt heo mẹ đi chợ mua về để trong đó rồi ra đồng làm, đến trưa về mới nấu là tôi mừng khấp khởi, bởi trưa nay cả nhà sẽ được một bữa ăn ngon. Bây giờ nhớ lại mà buồn cười, vì ngày ấy, cái gian bếp bộn bề những củi, nồi, ám khói đen và cái cụi gỗ màu nâu xỉn thân thương ấy có lẽ là nơi ghi dấu nhiều nhất những kỷ niệm vụng trộm của thế hệ tuổi thơ của mấy anh chị em tôi. Nhữmg buổi trưa không ngủ, những lúc rảnh rỗi đi vô đi ra lục cụi, cái bụng thì lúc nào cũng trống rỗng mà có được một miếng gì đó cho ngay vào miệng thì không còn gì thú vị bằng. Hồi đó, quê tôi chỉ nấu ăn bằng củi hay rơm rạ nên soong nồi luôn dính đầy lọ nghẹ, dính lên cả nắp soong, nên nếu cứ lục soong bốc thức ăn rồi quệt miệng thì thế nào cái mặt cũng dính chút lọ nghẹ là biết vừa ăn vụng xong. Vậy mà khi bị ba mẹ hỏi đứa nào ăn vụng là ai cũng cố chống chế: không có! Nhiều lần chạy đi chơi cùng đám bạn trong xóm, thấy đứa khác mặt lem luốc là tôi biết liền, cười nói với nó: Mi ăn vụng, đúng không? Nó vội vàng lấy tay áo lau lau quệt quệt nơi mặt rồi nhìn tôi và nói: Mi cũng ăn vụng, lọ nghẹ chỗ cái cằm đó. Rồi cả mấy đứa lại đưa tay áo lên quệt quệt hay chạy ào về ảng nước rửa mặt...

Bây giờ, cuộc sống hiện đại hơn và cái tủ lạnh trong mỗi nhà là "hiện thân" của cái cụi bếp ngày nào. Tôi thầm nghĩ vậy. Cái cụi bếp qua bao tháng năm giờ vẫn còn lưu giữ trong "ngôi nhà chung" của đại gia đình lớn nhà tôi ở quê nhà. Chỉ có điều, cái mùi quen thuộc của mắm muối, dưa cà, của mỡ heo và mùi các loại thức ăn khác trộn lẫn vào nhau, bây giờ không còn nữa. Nhưng nó lại luôn vương vít neo đậu trong sâu thẳm tâm hồn anh chị em nhà tôi, khó gọi thành tên ấy, tôi lại gọi là "mùi ký ức". Cái cụi bếp màu nâu bạc phếch cũ kỹ vẫn còn đó, in dấu vẹn nguyên một thời với bao kỷ niệm ấu thơ, lòng chùng lại, mắt cay cay. Cái cụi, ngày ấy, bây giờ...

THẢO NGUYÊN