Cái kết có hậu của người phụ nữ 12 năm lưu lạc xứ người
(Cadn.com.vn) - Ngây dại trước lời dụ dỗ để rồi lạc bước theo chân nhóm người lạ, đến khi bừng tỉnh cơn mê là lúc chị phát hiện mình đã lưu lạc nơi đất khách quê người. 12 năm tủi hờn, cam chịu cảnh làm "vợ người ta", chị đã tìm được đường về quê hương. Chị là Nguyễn Thị Sáu (1970, trú thôn Tam Hợp, xã Quỳnh Lập, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Căn nhà Mái Ấm Tình Thương vừa khánh thành của mẹ con chị Sáu. |
Vỡ mộng nơi "miền đất hứa"
Là con kế út trong gia đình có 7 anh chị em, ngày xưa do nhà đông anh chị em, mẹ lại đau ốm liên miên nên học đến lớp 5, chị Sáu đành gác lại nghiệp "đèn sách" để mưu sinh giúp đỡ gia đình. Các anh chị em lần lượt lập gia đình riêng, riêng chị Sáu vẫn ở vậy, ngày ngày ra cảng biển làm cửu vạn và chăm người mẹ liệt giường. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cái tuổi nó đuổi xuân đi, ở vùng biển mặn mòi quê chị, con gái sắp đến tuổi "băm" như chị mà chưa yên bề gia thất coi như ế. Sau khi bố mẹ qua đời, chị bắt đầu những chuyến buôn cá xa nhà và định mệnh cuộc đời cũng bắt đầu ập đến từ những chuyến mưu sinh ấy.
Nhớ lại buổi sáng định mệnh 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Sáu kể, một ngày đầu năm 1996, trong lúc từ H. Quỳnh Lưu lên H. Yên Thành (Nghệ An) bán cá, chị gặp một nhóm người nói giọng Bắc. Khi biết hoàn cảnh đáng thương của chị, những người này đã tỏ ý muốn "giúp đỡ" chị bằng cách đưa sang Trung Quốc làm thuê, công việc vừa nhàn thân lại ăn sung, mặc sướng, lương bổng cao gấp mấy chục lần đi buôn. Như bị bùa mê thuốc lú, chị đã giấu nhẹm gia đình rồi theo chân những người này ra Móng Cái (Quảng Ninh). Sau 3 ngày 3 đêm chui nhủi, chị cũng đến được "miền đất hứa" như viễn cảnh mà mấy người kia đã vẽ ra, tuy nhiên thực tế không như vậy. Sau 2 ngày bị "giam lỏng", chị tiếp tục bị đưa lên thuyền để đi mà mãi sau này chị mới biết đó là vùng nông thôn hẻo lánh, thuộc huyện Miền Xiêu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Tại đây, chị bị bán cho một người đàn ông bản địa để làm vợ.
Những ngày đầu, do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, phía gia đình chồng sợ chị bỏ trốn nên đã giam lỏng và quản lý rất khắt khe, khiến cho cuộc sống của chị như chốn ngục tù. Thế rồi một năm sau đó, chị sinh cho nhà chồng một đứa con trai, đặt tên là Hồ Xúy Căng (1997), phía nhà chồng mới nới lỏng cuộc sống cho chị hơn. Chồng chị, anh Hồ Xúy Sinh (1960), một lão nông cục mịch nhưng yêu chiều con cái nên chị cũng được nhờ lây, không còn phải đầu tắt mặt tối và làm những việc nặng nhọc như trước. Dù sống với chồng con, nhưng chị Sáu luôn có mong muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn. "Dù ở làng có nhiều người Việt Nam bị lừa bán sang, nhưng chẳng ai dám bỏ trốn vì xung quanh toàn núi rừng, có trốn cũng không biết đi đến đâu", chị Sáu kể lại.
Thấm thoắt sống ở nhà chồng cũng được 10 năm. Trong 10 năm đó, chị đã có hàng trăm lần ấp ủ kế hoạch bỏ trốn về quê, nhưng đều bất thành. Năm 2006, chị tiếp tục sinh đứa con thứ hai, đặt tên là Hồ Xúy Dụng. Niềm tin từ chồng và gia đình chồng dành cho chị ngày càng lớn hơn, song lúc này chị lại không nỡ dứt tình mẹ con để chạy trốn. Nấn ná mãi, đến năm 2009, lúc Dụng tròn 3 tuổi thì chị quyết định ôm con về thăm quê hương, họ hàng.
Nụ cười hạnh phúc của 2 mẹ con chị Sáu. |
Trùng phùng sau 12 năm biệt tích
Trước mùa Vu Lan năm 2009, chị cùng con trai được một người Việt làm ăn sinh sống ở Trung Quốc đưa về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Khi về đến tỉnh Thái Bình, 2 mẹ con chị được anh trai từ Nghệ An ra đón. 12 năm biệt xứ, ngày về chị mừng mừng tủi tủi khi gặp lại tình thân. Quyết định ở lại quê nhà là một việc làm cực kỳ khó khăn, với nhiều thử thách phía trước. Ngày đi, chị Sáu tay không. Khi trở về, gia tài của chị là cậu con trai 3 tuổi và đôi bàn tay trắng. Không nhà cửa nương thân, không công ăn việc làm để ổn định cuộc sống, chị cảm thấy mình như con thuyền lênh đênh không bến đỗ. Như thấu hiểu được sự cô độc của chị, các anh chị em đã động viên, an ủi, giang rộng vòng tay bảo bọc cuộc sống 2 mẹ con chị. Có thêm động lực để vượt qua, chị làm lại khai sinh cho con với cái tên Nguyễn Phúc Dũng, chấp nhận làm người mẹ đơn thân, ở vậy nuôi con ăn học.
Để ổn định cuộc sống, chị mướn một căn nhà của người cháu để tá túc, ngày ngày ra biển bốc vác cá thuê cho các chủ thuyền. Thu nhập rất phập phù, phụ thuộc vào thời tiết và tàu thuyền cập bến, hôm có hôm không, ngày nhiều thì từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, có những hôm chẳng có đồng nào. Chị bảo, bản thân thường xuyên bị đau ốm, bệnh tật hành hạ nên mấy năm trở lại đây, chị đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội với mức 270.000 đồng/tháng. "Từ sau khi mẹ con chị Sáu trở về quê nhà, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để nhập hộ khẩu, hỗ trợ làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân và chỉ đạo hội phụ nữ giúp đỡ hai mẹ con ổn định cuộc sống", ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết.
Sau 7 năm sống cảnh "ăn nhờ ở đậu", vừa qua anh trai đã cắt cho mảnh đất gần 100m2 tại thôn Tam Hợp để chị cất nhà. Được Hội LHPN thị xã Hoàng Mai hỗ trợ 20 triệu đồng, Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng sự đóng góp của các anh chị em và số tiền ít ỏi do chị dành dụm được, chị đã xây dựng được một căn nhà khá vững chắc. Ngày 19-5-2016, ngôi nhà Mái Ấm Tình Thương này đã chính thức được khánh thành.
Khó khăn, thử thách rồi cũng qua, cuộc sống giờ đã tạm ổn, nụ cười đã nở trên môi người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, gian truân. Khi được hỏi, chị có "đi bước nữa" hay không, chị Sáu ôm đứa con vào lòng, cười nói: "12 năm sống kiếp làm vợ không tình yêu, đã nếm trải mọi dư vị đắng chát của hôn nhân. Giờ chỉ có tình yêu duy nhất là cậu con trai này thôi...!".
X.S