Báo Công An Đà Nẵng

Cái kết đắng cho một dự án xanh

Thứ sáu, 17/02/2017 10:43

(Cadn.com.vn) - Từ năm 2000, Tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ nguồn kinh phí khá lớn để trồng gần 2.000ha rừng phòng hộ theo dự án PACSA ven biển Quảng Nam cho các huyện  Núi Thành, Thăng Bình, TP Tam Kỳ. Dự án kết thúc năm 2006 nhưng đến nay phần lớn diện tích rừng phòng hộ đã bị xâm lấn. Đi dọc tuyến đường Thanh Niên ven biển từ H. Thăng Bình về lại TP Tam Kỳ, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy những gốc dương liễu, phi lao nằm trơ trọi trên cát trắng. Đằng xa sóng biển gầm gào như chực cuốn vào bờ. Đã qua rồi thời nhà nhà nuôi tôm thẻ, người người nuôi tôm thẻ. Qua rồi thời đi đâu cũng bắt gặp cảnh xe múc, xe ủi đào ao nuôi tôm. Khi nguồn lợi và cơn sốt nuôi tôm hạ nhiệt thì cũng là lúc người ta nhìn lại những cánh rừng dương liễu, phi lao, điều đã trơ trọi. Người dân ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) được cấp đất lâm nghiệp nhưng đều được sử dụng để nuôi tôm.  Bà Trúc (một hộ nuôi tôm ở xã Tam Tiến) cho biết: "Nuôi tôm đem lại nguồn lợi lớn. Năm 2014 là năm đỉnh cao của giá tôm khi đó thu nhập qua một vụ tôm vào khoảng 1 tỷ đồng là bình thường. Thấy họ chặt cây làm ao thì mình cũng làm thôi." Còn ông Nguyễn Văn Bổn- Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến cho biết sở dĩ hàng trăm hộ dân chặt cây trồng để đào ao nuôi tôm nhưng chính quyền không thể xử lý vì phần lớn đất họ đang sử dụng được Nhà nước cấp để trồng rừng sản xuất chứ không phải vốn Nhà nước bỏ ra trồng rừng phòng hộ. Chính vì vậy địa phương đã bất lực trong việc quản lý rừng. Và đến nay không còn đất để quy hoạch rừng phòng hộ. Bên cạnh việc người dân lấn chiếm rừng thì khâu "hậu dự án" đã bị bỏ quên khiến rừng dự án PACSA "chết yểu". Trong số 236ha rừng PACSA thực hiện ở xã Tam Phú thì có 28 ha phát triển bình thường, 143 cây bị chết. Tương tự tại xã Tam Thăng có 94ha trên tổng số 207 ha rừng không sống nổi. Theo một số người dân cho biết, địa phương có giao khoán cho nhóm hộ dân chăm sóc nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi dừng hẳn. Không ai quản lý, bảo vệ nên mạnh ai nấy phá. Ông Phan Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương (H.Thăng Bình) cho biết: "Người dân thường chọn những cây ngay, cây thẳng để làm công trình phụ, thêm vào đó dự án này địa phương không quản lý trực tiếp nên qua thời gian rừng mất dần".

Những cánh rừng phòng hộ ven biển còi cọc trên nền cát trắng.

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2015 rừng phi lao, dương liễu trong dự án này không phát triển, thân chính và chồi bị khô. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khiến cây không thể phát triển. Tỷ lệ cây sống chỉ đạt 60% nhưng chất lượng thấp.  Nhiều diện tích sau 2-3 năm cây chết hẳn. Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sở dĩ việc rừng chết yểu là vì suốt thời gian dài không được lưu tâm. Mỗi năm vốn ngân sách phân bổ rất ít. 5 năm mà mỗi héc-ta rừng chỉ được đầu tư 15 triệu đồng thì không thể phát triển rừng giàu được. "Bên cạnh đó việc chồng chéo quản lý đất rừng phòng hộ với các dự án của Kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch, sắp xếp dân cư ven biển khiến địa phương cũng hoang mang trong quy hoạch rừng phòng hộ", ông Hưng cho biết. Khác với trồng rừng phòng hộ đầu nguồn chỉ vài năm đã phủ xanh đồi trọc, trồng rừng ven biển lâu dài và khó khăn trong việc bảo vệ rừng. Dự án rừng PACSA đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Rừng chết, diện tích trồng rừng mới không có mà những hệ quả vì mất rừng đã nhìn thấy trước mắt. Trước những hệ quả và diễn biến xấu của thời tiết, hiện nay Sở Nông nghiệp đang tiến hành làm lại quy hoạch rừng phòng hộ. Tập trung rà soát, điều tra, kiến nghị tỉnh mạnh dạn thu hồi những dự án bỏ đất hoang hoặc chưa sử dụng hết diện tích để đưa vào làm rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, trong đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh thành ven biển trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới 60.000ha rừng nâng cao độ che phủ rừng ven biển lên 20%.

Đồng Dao