Báo Công An Đà Nẵng

Cái kết được dự báo cho trùm giáo phái tận thế Shoko Asahara

Thứ bảy, 07/07/2018 11:16

Shoko Asahara, người đứng sau chuỗi tội ác ghê tởm chưa từng thấy trong thập niên 1980 và 1990 tại Nhật, đã bị hành hình ngày 6-7. Y đã lớn lên và phải đối mặt với vô số thất bại trong thời thơ ấu khi tìm cách "làm một điều gì đó" trong cuộc đời mình.

Ảnh chụp ngày 7-1-1990 cho thấy Shoko Asahara (thứ tư từ trái sang) phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo công bố kế hoạch ứng cử vào Hạ viện.  Ảnh: CNN

Bộ Tư pháp Nhật xác nhận thông tin nước này đã thi hành án tử hình 6 thành viên giáo phái AUM Shinrikyo cùng thủ lĩnh Shoko Asahara do gây ra vụ tấn công bằng chất độc sarin năm 1995 nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo và các tội ác khác, khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Đây là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1911, thời điểm 11 đối tượng âm mưu ám sát Nhật hoàng bị tử hình. Chính phủ Nhật Bản cũng đã được đặt trong tình trạng báo động đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa việc thi hành án tử hình đối với 7 thành viên giáo phái AUM.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tin tưởng, giới chức cảnh sát sẽ làm mọi biện pháp để đề phòng nguy cơ tấn công trả đũa. Bộ trưởng Olympic Shuichi Suzuki hy vọng việc thi hành án tử hình Asahara sẽ nhắc nhở công chúng về sự tàn bạo của khủng bố và tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa trước Thế vận hội Tokyo 2020. Dư luận Nhật Bản cũng đã hoan nghênh việc tử hình các đối tượng trong giáo phái AUM phạm tội.

Giết người để cứu rỗi?

Shoko Asahara, 63 tuổi, tên thật là Chizuo Matsumoto, sinh ra ở tỉnh Kumamoto vào tháng 3-1955 trong gia đình nghèo khó có 7 người con. Mắt trái hầu như không nhìn thấy gì trong khi mắt phải gặp các vấn đề về thị lực, Asahara được gửi đến một trường dành cho người khiếm thị ở Kumamoto. Y thông minh nhưng không được giữ vai trò lãnh đạo trong các đội thể thao hoặc câu lạc bộ sinh viên. Sau đó, y thất bại trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Tokyo. Sau khi rời trường, y mở một hiệu thuốc ở tỉnh Chiba nhưng bị bắt vào năm 1982 vì bán thuốc trái phép. Y kết hôn năm 1978 và có 6 người con.

Năm 1984, Asahara thành lập nhóm tiền thân có tên Aum Shinsen no Kai, chuyên dạy yoga. 3 năm sau, nhóm này được đổi tên thành Aum Shinrikyo. Nhiều tín đồ trẻ đã cắt đứt quan hệ với gia đình và bắt đầu đến sống tại các cơ sở của Aum Shinrikyo, quyên góp tiền và đồ đạc cho Asahara. Nhiều người trẻ tuổi có chuyên môn về khoa học được giữ các chức vụ lãnh đạo trong giáo phái.

Sự xuất hiện của Asahara xảy ra trong bối cảnh bùng nổ các tôn giáo tại Nhật Bản trong những năm 1980. Trong thời kỳ này, nhiều người trẻ cảm thấy xa lạ với nền văn hóa. "Nhiều người tìm kiếm hạnh phúc tinh thần, thay vì sự đủ đầy vật chất trong giai đoạn nền kinh tế bong bóng vào cuối những năm 1980, đã gia nhập Aum Shinrikyo", Hiromi Shimada, một học giả tôn giáo chuyên nghiên cứu về giáo phái này cho biết trong một bài phát biểu vào năm 2015.

Giáo lý của Aum Shinrikyo bị ảnh hưởng bởi Phật giáo và Ấn Độ giáo, và nhóm đã lấy những trải nghiệm ngoại cảm như một con đường dẫn đến sự giác ngộ. Những người theo nhóm sau này cho biết họ đã được tiêm các chất gây ảo giác như LSD trong các nghi thức thực hành tôn giáo. Với bộ râu và mái tóc dài, Asahara tự coi mình là "vị cứu tinh", tuyên bố đã đạt được sự giác ngộ từ kinh nghiệm khổ hạnh ở dãy Himalaya, đồng thời tuyên bố mình là hóa thân của Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh của người Hindu. Y cũng tự xưng có thể dạy bay bổng và thần giao cách cảm, tuyên bố với những người theo y rằng thế giới sẽ kết thúc ở Armageddon và hứa sẽ dẫn dắt những người theo ông tới sự cứu rỗi.

Từng tham gia chính trị

Asahara cũng tham gia chính trị, nhưng y thất bại trong cuộc bầu cử năm 1990 vào Hạ viện. Các công tố viên tin rằng, thất bại này là điều thúc đẩy Asahara bắt đầu âm mưu giết hại người dân để trả thù. Y bắt đầu sản xuất hàng loạt khí thần kinh sarin.

Với quan điểm cho rằng, giết người là một con đường dẫn đến sự cứu rỗi, y và giáo phái thực hiện vô số các vụ giết người rúng động, như vụ giết hại gia đình 3 thành viên gia đình luật sư Tsutumi Sakamoto năm 1989, thực hiện vụ tấn công khí sarin tại tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản năm 1994, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, và đặc biệt là vụ tấn công khí sarin ga tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo vào giờ cao điểm năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng và hơn 6.200 người bị thương, trong đó nhiều người còn bị di chứng cho đến nay.

Các thành viên Aum Shinrikyo đã để chất độc sarin dạng lỏng tại 5 toa tàu điện ngầm ở các vị trí khác nhau, khiến hàng nghìn người quằn quại trong đau đớn, tạo ra cảnh tượng thương tâm như thời chiến tranh. Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất tại Nhật Bản và gây chấn động dư luận toàn thế giới bởi Nhật Bản khi đó luôn được biết đến là một quốc gia an toàn và thanh bình nhất trên thế giới.

Ngay cả sau khi bị bắt vào tháng 5-1995 - 2 tháng sau vụ tấn công khí sarin hệ thống tàu điện ngầm Tokyo - Asahara tiếp tục những lời lẽ tôn giáo, nói rằng, một phép lạ sẽ xảy ra và rằng, y sẽ không phải ra tòa. Nhưng điều kỳ diệu mà y tuyên bố không bao giờ xảy ra, và phiên tòa xử y bắt đầu vào tháng 4-1996. Nhưng cho đến khi chết, Asahara vẫn im lặng, khiến những tội ác kinh hoàng của AUM Shinrikyo cho đến nay vẫn chưa thể giải thích được.

AN BÌNH