Báo Công An Đà Nẵng

"Cái ôm đầu tiên" – bước đơn giản bảo vệ, cứu sống trẻ sơ sinh

Thứ sáu, 18/08/2017 09:45

Chiều 17-8,  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế tổ chức họp báo với chủ đề "Cái ôm đầu tiên: Hướng tới 4 triệu trẻ sơ sinh tiếp theo" nhằm thông báo kết quả Hội nghị lần thứ hai  về  công tác đẩy mạnh chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Trọng tâm của chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm là cái ôm đầu tiên.

Cứ 2 phút có một trẻ sơ sinh tử vong

Theo WHO, cứ 2 phút có một trẻ sơ sinh tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguyên nhân chính góp phần vào tỷ lệ tử vong sơ sinh là việc bị tách khỏi mẹ quá sớm khi lọt lòng. Trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ không những không được hưởng lợi ích của việc tiếp xúc da-kề-da, mà còn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt và mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Hơn nữa, trẻ thường được nuôi dưỡng bằng sữa công thức chứ không được bú sữa mẹ. Điều này góp phần làm cho nguy cơ bị nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và tử vong tăng lên gấp đôi. Việc bắt đầu cho bú mẹ sớm và bú sữa non cũng như nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ đã được khoa học chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cho rằng: "Việc vẫn còn hàng triệu trẻ sơ sinh phải đối mặt với nguy cơ tử vong, trong khi chúng ta có kiến thức, công cụ để cứu sống và bảo vệ tính mạng của trẻ là không thể chấp nhận được".

 Nhằm kêu gọi sự ủng hộ của công chúng và của hệ thống chính trị về "Đẩy mạnh chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm" (CSSSTYS), tháng 3-2015, WHO và UNICEF đã phát động chiến dịch "Cái ôm đầu tiên" tại Manila (Philippines). Từ đó đến nay chiến dịch này đã được phát động ở 8 quốc gia được ưu tiên lựa chọn vì có gánh nặng cao nhất về tử vong sơ sinh trong khu vực, gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Papua New Guinea, Philippines, Quần đảo Solomon và Việt Nam. Trọng tâm của CSSSTYS là Cái ôm đầu tiên - một bước thực hành đơn giản có khả năng cứu sống trẻ giúp tăng cường tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và trẻ ngay sau khi sinh và trong vài ngày đầu tiên sau sinh. Thực hành Cái ôm đầu tiên bao gồm 4 bước chính: lau khô trẻ cẩn thận ngay lập tức sau khi sinh, tiếp xúc da-kề-da ngay lập tức, kẹp và cắt dây rốn kịp thời một cách thích hợp, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Thực hành cái ôm đầu tiên rất đơn giản, có hiệu quả chung và hiệu quả về chi phí và có thể thực hiện được tại tất cả các hoàn cảnh mẹ sinh con. Bước thực hành này mang lại lợi ích cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh, đẻ non và thậm chí trẻ sinh bằng phương pháp mổ đẻ.

Phương pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) là việc cho trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân được kéo dài tiếp xúc da - kề - da với mẹ, được bú sữa mẹ và được theo dõi chặt chẽ phát hiện nhiễm khuẩn. Phương pháp này đã được biết đến hơn 30 năm nay là có thể cứu sống tính mạng trẻ sơ sinh. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện phương pháp này tại khu vực, tuy nhiên vẫn còn 2/3 số trẻ sinh thiếu tháng chưa được tiếp cận phương pháp này. "Cái ôm đầu tiên giúp trẻ có cảm giác bình an, kích thích trẻ thở đều, ngăn ngừa giảm thân nhiệt, giảm nguy cơ thiếu máu, ngăn ngừa xuất huyết não, tăng cường miễn dịch chống nhiễm khuẩn và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ qua việc bú mẹ. Chính vì vậy, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia và với WHO để tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh trong khu vực đều được tiếp cận những can thiệp này", bà Wivina Belmonte - quyền Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.

Hướng tới 4 triệu trẻ sơ sinh tiếp theo

Cho đến nay, CSSSTYS đã được áp dụng tại 17 quốc gia. Hơn 30.000 cán bộ y tế đã được tập huấn tại 2.522 cơ sở y tế, đạt gần đến con số 4 triệu trẻ sơ sinh được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn 43% trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ trước khi được bú cữ bú đầu tiên, 13% trẻ không được tiếp xúc da-kề-da với mẹ, CSSSTYS được áp dụng chưa tới 1/3 trong số ca mổ và tính đến năm 2017 chỉ có 35% trẻ sinh non được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo. Chính vì vậy, việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh không chỉ còn là một nội dung kỹ thuật mà còn là một vấn đề chính trị, trong đó phương pháp tiếp cận toàn chính phủ có vai trò thiết yếu.

Tiến sĩ Shin Young-soo cho biết: "Trong vòng 4 năm, CSSSTYS đã được giới thiệu áp dụng ở 17 quốc gia, với mỗi năm có 4 triệu trẻ sơ sinh được chăm sóc. Đây là một thành tựu đáng kể, nhưng chúng tôi vẫn còn phải đưa phương pháp này đế với 28.000 cơ sở y tế nữa. Hiện nay, chúng ta đang đi chặng đường tiếp theo. Trong hội nghị khu vực này, các thứ trưởng đến từ 8 quốc gia được ưu tiên lựa chọn đã cùng nhau khắc phục các rào cản và vấn đề còn lại hiện cản trở quá trình triển khai nhân rộng nhanh chóng công tác CSSSTYS, đặc biệt là ở các nhóm dân cư dễ bị tổn thương trong khu vực".

Theo WHO, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn để triển khai nhân rộng CSSSTYS từ năm 2015. CSSSTYS hiện đã được áp dụng đến các cơ sở y tế tại 63 tỉnh/thành phố với gần 9.000 nhân viên của các cơ sở y tế đã được tập huấn. Thực hành lâm sàng đã được cải thiện, với 94% trẻ sinh đủ tháng được đặt tiếp xúc da-kề-da khi vừa lọt lòng, và 56% trẻ được giữ tiếp xúc da-kề-da kéo dài cho đến khi bú cữ đầu tiên. Ngoài ra, 71% trẻ sinh đủ tháng bắt đầu được bú mẹ sớm và 78% trẻ sinh đủ tháng được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian đầu sau sinh. Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hành có hại như tắm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, bôi thuốc lên cuống rốn đã giảm nhiều và ở mức thấp. Kết quả của những nỗ lực này là thực hành lâm sàng về CSSSTYS đã được cải thiện nhiều, trong đó Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một ví dụ điển hình.  Số lượng trẻ sơ sinh cần chăm sóc tích cực giảm dần, đồng thời đã có những cải thiện nhất định về sức khỏe ở những trẻ cần chăm sóc tích cực. Các thực hành lâm sàng ở Việt Nam cũng đã được cải thiện mạnh mẽ. Do đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia được các nước khác thường xuyên đến tham quan học hỏi cách xây dựng một chương trình CSSSTYS hiệu quả.

LÊ HÙNG