Cải tạo, nâng cấp rạp Lê Độ: Chờ đến bao giờ?
(Cadn.com.vn) - Năm 2017, Đà Nẵng sẽ là địa phương đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, thế nhưng ngành văn hóa thành phố đang "đau đầu" khi không biết tổ chức ở địa điểm nào, khi rạp Lê Độ vẫn chưa biết bao giờ mới được đầu tư cải tạo.
Sau nhiều năm không được đầu tư cải tạo, rạp Lê Độ đã không còn đáp ứng được nhu cầu xem phim của người dân. |
Những năm qua, các đơn vị tư nhân đầu tư mở nhiều rạp chiếu phim hiện đại nên thu tóm hầu hết lượng khán giả Đà Nẵng đến xem phim, thế nên rạp Lê Độ - rạp chiếu phim công lập duy nhất còn lại của Đà Nẵng rơi vào cảnh chợ chiều. Với vị trí đẹp nằm trên đường Trần Phú, nhiều người ví rạp Lê Độ như "kép chính phải đóng vai phụ". Ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây TP đã có dự định giao rạp Lê Độ cho tư nhân đầu tư, xây dựng khu thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên lúc đó, ông Nguyễn Bá Thanh- cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau khi tìm hiểu đã quyết định không giao rạp Lê Độ cho đơn vị tư nhân, mà phải phát triển nơi đây thành địa chỉ văn hóa phục vụ nhân dân thành phố. Dẫu thế, đến bây giờ, rạp Lê Độ vẫn giữ nguyên hiện trạng và trang thiết bị có từ thời xưa cũ. Ông
Lê Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng cho biết, hơn 20 năm qua kể từ đợt tu sửa lần đầu tiên vào năm 1993, đến nay rạp Lê Độ không nhận được sự đầu tư nào khác. Hệ thống kỹ thuật, thiết bị của rạp quá lạc hậu so với thị trường. Rạp có 2 phòng chiếu, công suất phòng 1 có 400 chỗ và phòng 2 có 98 chỗ. Hai phòng này được trang bị máy chiếu phim nhựa 35 ly, sản xuất vào năm 1997 và 2001, nhưng bây giờ máy chiếu phim nhựa 35 ly hầu như không sử dụng. "Để đáp ứng phục vụ khán giả, Trung tâm phải thuê máy chiếu công nghệ HD. Nhưng nói thật là với cơ sở vật chất như thế thì không thể nào kéo khán giả đến rạp được, chứ đừng nói cạnh tranh với các rạp phim tư nhân" - ông Khánh nói. Trước thực trạng trên, thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ. Tuy nhiên, khi công trình chưa được khởi công thì lại vướng vào quy hoạch Tổng thể mặt bằng nút giao thông phía tây cầu sông Hàn, theo đó rạp Lê Độ sẽ bị thu hồi toàn bộ mặt tiền diện tích hơn 120m2. Vì vậy đề án cải tạo, nâng cấp không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Sở Văn hóa-Thể thao, kiến nghị thành phố cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn để xây dựng rạp Lê Độ vẫn chưa biết tìm ở đâu, trong khi đây là công trình dự kiến phục vụ sự kiện APEC 2017 và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX năm 2017 tại Đà Nẵng.
Trong công văn chỉ đạo về cải tạo, nâng cấp rạp Lê Độ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Sở VH-TT làm việc với các bộ, ngành Trung ương để bố trí vốn triển khai thực hiện. Trong trường hợp không có vốn từ Trung ương thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng Sở VH-TT thành phố nghiên cứu phương án hợp tác công tư theo mô hình đầu tư tư, sử dụng công cho rạp Lê Độ. Tuy nhiên, vào ngày 20-7, Bộ VH-TT&DL đã có công văn trả lời về chủ trương, nguồn vốn đầu tư, nâng cấp rạp Lê Độ. Theo đó, Bộ VH-TT&DL cho rằng việc nâng cấp rạp chiếu phim Lê Độ phục vụ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX năm 2017 tại Đà Nẵng là cần thiết, nhằm hoàn thiện thiết chế văn hóa tại Đà Nẵng, phù hợp với tinh thần của Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020". Bộ VH-TT&DL ủng hộ chủ trương đầu tư nâng cấp rạp chiếu phim Lê Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, đề nghị Sở VH-TT Đà Nẵng báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng chủ động cân đối ngân sách địa phương và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được hỗ trợ một phần ngân sách Trung ương. Đồng thời, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thành dứt điểm, đưa vào khai thác, vận hành. Như vậy, là rạp Lê Độ sẽ không có vốn từ Trung ương để cải tạo, nâng cấp.
Trước tình hình trên, Sở VH-TT thành phố gửi công văn đề nghị Sở kế hoạch và Đầu tư xem xét chủ trì nghiên cứu phương án hợp tác công tư theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên, phương án xây dựng rạp Lê Độ theo hình thức công tư khiến không ít người lo lắng. Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho rằng, sau giải phóng Đà Nẵng có 8 rap chiếu phim, đến nay chỉ còn 1 rạp Lê Độ. Nếu như xã hội hóa, vừa khó kêu gọi vừa khó trong việc thực hiện công tác tuyên truyền. Hơn nữa, các doanh nghiệp làm văn hóa chú ý lời, lãi ít chú ý đến định hướng giá trị văn hóa. "Nếu xã hội hóa rạp Lê Độ, tôi cam đoan người ta sẽ chiếu những bộ phim mang lại doanh thu lớn, còn phim cách mạng, phim Việt Nam không có "cửa" vào rạp. Xã hội hóa lĩnh vực văn hóa thì trả cái giá nhất định"- ông Hùng nói.
Hoàng Anh