Cạm bẫy rình rập trẻ vị thành niên miền núi Quảng Trị
Phó Trưởng ban Xây dựng Đoàn, Tỉnh đoàn Quảng Trị Nguyễn Thị Luyến là thành viên Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh được phân công tham gia Hội đồng xét xử vụ án Hồ Văn Q. (sinh ngày 1-1-2005, trú H.Hướng Hóa) về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” vào cuối năm 2021. Điều khiến nữ hội thẩm trẻ tuổi giật mình ngay khi tiếp nhận vụ án là số lượng ma túy bị bắt rất lớn, đến hơn 5kg ma túy tổng hợp (MTTH) loại hồng phiến lại được vận chuyển bởi một trẻ vị thành niên. Bật lên trong suy nghĩ của vị nữ hội thẩm là vì sao như thế, hoàn cảnh của bị cáo như thế nào? Và chị liên hệ về Xã Đoàn nơi Q. sinh sống nằm ở địa bàn giáp biên với nước bạn Lào để hiểu hơn hoàn cảnh, tình hình. “Khi tìm hiểu, tôi thật sự xót xa khi Q. có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mù chữ, mồ côi cha, mẹ khuyết tật nặng, nên người giám hộ cho Q. phải bố trí người khác- đó là Phó Bí thư Xã Đoàn nơi bị can cư trú”- nữ hội thẩm nhớ lại.
Theo lời khai, ngày 23-6-2021, Q. sang Lào thăm bạn ở bên sông biên giới Sê Pôn thì gặp một người tên Hào. Người này trước đây hay ghé bản của Q. để chơi nên biết được hoàn cảnh của Q. Trò chuyện, thấy Q. cần tiền để trang trải cuộc sống, đối tượng Hào lập tức mở lời thuê vận chuyển ma túy với tiền công 15 triệu đồng. Chưa bao giờ có số tiền lớn đến như thế nên Q. đồng ý ngay. Theo hướng dẫn, rạng sáng 3 ngày sau, Q. đợi ở mé sông phía Việt Nam để chờ người đưa hàng sang. Việc của Q. là tiếp tục đưa ra QL9, đến đặt hàng tại 1 vị trí ở xã Tân Liên (H.Hướng Hóa), chặng đường tầm hơn 20km. Nhận hàng xong trời vẫn chưa sáng, Q. ôm gói ma túy với hàng chục ngàn viên MTTH nặng hơn 5kg đi bộ hướng ra QL9. Nhưng do thức đêm chờ đã mệt với bản tính trẻ con, Q. lăn ra ngủ giữa lối mòn trên rẫy. Khoảng 6 giờ cùng ngày thì bị lực lượng biên phòng phát hiện. Q. tháo chạy không kịp. Tại phiên tòa, khi được HĐXX cùng đại diện Viện kiểm sát hỏi nhiều về hoàn cảnh gia đình, Q. đã bật khóc trước sự quan tâm đặc biệt này. Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo luật định và mức án dành cho người chưa thành niên phạm tội, Tòa đã tuyên Q. 16 năm tù.
Nếu như Q. thất học vì hoàn cảnh gia đình thì Hồ Văn Đ. (2005, trú H.Hướng Hóa) lại may mắn được đến trường. Thời điểm Đ. bị bắt về hành vi phạm tội vẫn đang học lớp 9, kỳ 1 năm học 2020-2021. Đó là một ngày thứ 6, tháng 12 – 2020. Đ. ngủ dậy muộn nên lỡ tiết buổi sáng, sẵn nhà không có người chăn bò nên Đ. nghỉ học. Lúc này, anh trai Đ. là Hồ Văn Thai đang tất bật lo cho phi vụ mua bán ma túy với số lượng lớn, điểm hẹn giao dịch ở bờ hồ Lao Bảo. Đến trưa, lúc Đ. chăn bò về thì Thai rủ Đ. đi cùng, hứa cho 100 ngàn đồng để tiêu. Thai giữ 1 gói và đưa cho Đ. 1 gói khác (6.000 viên hồng phiến) cất giữ. Dù không hỏi gì nhưng Đ. biết đó là ma túy. Khi đang di chuyển để giao cho “khách hàng”, cả hai anh em đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ngày đưa ra xét xử, một đứa trẻ như Đ. không giấu được sự mất bình tĩnh, bấn loạn dẫn đến lời khai bất nhất, căng thẳng. Nhìn khuôn mặt bị cáo “nhí” không ai không trắc ẩn, dù biết hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là khi HĐXX vào nghị án, Đ. quỳ thụp xuống nền khóc nức nở. Xót cho đứa trẻ, giận đó mà thương cũng nhiều. Anh trai Đ. bị tuyên án tù Chung thân, còn Đ. 7 năm tù.
Nếu như Q. và Đ. là tội phạm về ma túy thì Hồ Văn L. (2004) cũng sinh sống tại một địa bàn vùng cao H.Hướng Hóa lại bị rủ rê, lôi kéo vào vận chuyển trái phép vật liệu nổ. Khi L. phạm tội chỉ mới hơn 16 tuổi, vừa được đưa ra xét xử đầu năm 2022. Lợi dụng L. và một bị cáo nữa là người dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, một đối tượng tên Hùng đã thuê cả hai vận chuyển thuốc nổ ra TT Khe Sanh với tiền công 5 triệu đồng. Điều đáng nói, L. đã bỏ học từ sớm, gia cảnh khó khăn. Kết thúc phiên xét xử, Tòa đã tuyên L. mức án 3 năm 6 tháng tù, bị cáo còn lại 5 năm 6 tháng tù. Đây là những mức án đã được HĐXX xem xét, cân nhắc rất kỹ, nhằm tạo điều kiện để bị cáo sớm trở về làm lại từ đầu.
Một mùa hạ nữa lại về với thầy trò cả nước. Trong khi phần lớn các cô, cậu học trò bước vào kỳ nghỉ hè với nhiều dự định về những chuyến đi chơi xa, dã ngoại hoặc tham gia các hoạt động hè bổ ích để xả stress cho một năm học có quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thì những đứa trẻ trên đang ở trong vòng lao lý. Từ câu chuyện đau lòng của những đứa này, cho thấy cạm bẫy luôn rình rập trẻ vị thành niên, chỉ cần một phút dại dột, cả tin là phải trả giá đắt không thể lường hết được. Vì thế, để trẻ vị thành niên tăng khả năng “phòng vệ” trước lời rủ rê, tránh xa cạm bẫy mang sự hủy hoại ấy, cần lắm sự quan tâm, đẩy mạnh quản lý, giáo dục từ gia đình, nhà trường, các hội đoàn thể, xã hội.
Bảo Hà