Cạm bẫy việc làm
(Cadn.com.vn) - Trước nhu cầu bức thiết về việc làm, đặc biệt là đối với hàng ngàn lao động tại nhiều xã, thị trấn ven biển Quảng Trị đang mất sinh kế do thảm họa môi trường thì vụ việc của 4 thanh niên tại xã Hải Lệ, TX Quảng Trị rơi vào cạm bẫy tuyển dụng lao động mới đây là một bài học đắt giá, là lời nhắn nhủ “nóng hổi” không thể bỏ qua. “Điện thoại hỏi thông tin thì nhiệt tình, họ còn bỏ tiền thuê xe chở đi, rứa ai mà nghi ngờ chớ. Lâu ni toàn nghe lừa đảo lao động ra nước ngoài mà nhẹ dạ tin rằng làm trong nước thì lừa đảo làm chi, đúng là thủ đoạn, quỷ quyệt. May mà mấy đứa đã được giải cứu rồi” - một người dân Hải Lệ cho biết.
Sáng 1-8, chúng tôi tìm đến nơi ở của anh Hồ Xuân Cường (1987, trú thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, TX Quảng Trị), là một trong 4 nạn nhân cạm bẫy việc làm vừa được lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng “giải cứu”. Đi cùng chúng tôi còn có anh trai của nạn nhân Hồ Quang Đạt (1996) là thanh niên Hồ Đức Tân (trú thôn Tích Tường, xã Hải Lệ), người trực tiếp liên hệ, kêu cứu đến CA tỉnh Quảng Trị và CA các cấp tại Lâm Đồng, P.V thường trú tại Lâm Đồng ngay sau khi phát hiện ra những điều bất thường của sự việc. Điều bất ngờ khi nhận ra Tân chính là người thanh niên dũng cảm đã cùng với một chiến sĩ CATX Quảng Trị cứu 2 nữ sinh chìm trong dòng nước xiết vào mùa hè năm 2014 được các cấp khen thưởng. Tân vừa tốt nghiệp đại học và đang tìm việc làm.
Nạn nhân Hồ Xuân Cường lo âu sau biến cố vừa trải qua. |
Cường cũng là con trai của cô ruột Tân, gia cảnh vô cùng khó khăn. Lúc chúng tôi đến nhà, Cường đang ốm, nằm co ro một góc giường, mẹ vắng nhà, còn cô em gái nhỏ đầy lo lắng. Cường gắng dậy, mặt phờ phạc. Qua trải lòng về hoàn cảnh gia đình và bản thân. Lâu nay, Cường làm lao động phổ thông trong nghề xây dựng, thu nhập bấp bênh. Vào đầu năm 2016, Cường không may ngã xe máy, gãy chân nằm viện nhiều tháng. Mẹ của Cường chạy vạy khắp nơi để phẫu thuật, cứu chữa cho con. Sau khi xuất viện, Cường tìm việc làm nhưng do chân yếu, đi lại khó khăn nên chưa có nơi phù hợp. Bất ngờ tháng 7-2016, Cường nghe bạn kể có đọc được một thông báo tuyển dụng lao động của Cty CP Hoa Việt (Đà Lạt, sau đó xác định được địa chỉ ghi trên thông báo là lừa dối) dán ở cột điện TX Quảng Trị về công việc làm vườn, chăm sóc hoa tại Đà Lạt, lương 6 triệu đồng/tháng. Nghĩ công việc nhẹ nhàng, chỉ cần chăm chỉ và tỉ mẩn, phù hợp với sức khỏe, mức lương phù hợp nên Cường rất phấn khởi.
Trong khi đó, em Hồ Quang Đạt vừa mới hoàn thành thi đại học 2016 nhưng kết quả làm bài không cao, nghĩ không đỗ nên quyết định tìm việc làm. Sau khi biết được thông báo của Cty Hoa Việt, Đạt cùng Cường và 2 bạn là Phạm Bá Hợp và Võ Thanh Tú (1996, trú cùng xã Hải Lệ) quyết định “đầu quân” trở thành những nhà làm vườn trên miền đất cao nguyên. Ngày đi là 22-7, đã có xe đưa đón như theo nội dung quảng cáo nên các thanh niên chỉ mang theo một ít tiền, phòng lúc vào đó ốm đau. Vào đến Lâm Đồng, nơi đầu tiên các thanh niên được đưa đến không phải là trụ sở Cty Hoa Việt mà là một Cty giới thiệu việc làm và cung ứng lao động tại H. Lâm Hà. Tại đây, một người đại diện cho Cty Hoa Việt cho cả nhóm biết lương làm vườn hoa chỉ 3 triệu đồng/tháng và đang sắp xếp ký hợp đồng việc khác với các chủ thuê. Các thanh niên không đồng ý thì người này “lật bài ngửa”, yêu cầu phải nộp 500 ngàn đồng tiền phí xe và 1,2 triệu đồng tiền môi giới. Nhận thấy tình hình không ổn nếu đôi co, chống lại, đồng thời tiền mặt không có sẵn, các thanh niên đồng ý làm hợp đồng với các chủ mới. 3 người bạn người làm vườn hoa, quán phở, người làm cơ sở nước đá, còn Cường làm ở cơ sở nuôi tằm. Khi bày tỏ muốn nghỉ việc, các chủ lao động đều cho biết phải nộp số tiền hơn 2 triệu đồng mới có thể “thoát thân”. Điều đáng nói, Cường và các thanh niên đều bị thu giữ CMND và điện thoại, làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ/ngày.
Hồ Đức Tân, người trực tiếp liên hệ kêu cứu đến CA 2 tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị và P.V giúp đỡ nạn nhân tại địa bàn Lâm Đồng. |
Ở quê nhà, Tân mất liên lạc với em trai. Đêm 23-7, người nhà một trong 4 thanh niên nhận được tin nhắn qua facebook đã bị lừa tại Lâm Đồng. Dòng tin ngắn, không trọn vẹn cho thấy người gửi đang gấp gáp và lén lút. Ngay lập tức, Tân liên lạc báo án với CA các cấp tỉnh Lâm Đồng cũng như tại Quảng Trị. Bên cạnh đó, Tân cũng liên lạc nhờ P.V thường trú tại tỉnh Lâm Đồng giúp đỡ. Sau nhiều ngày, Tân bắt được liên lạc với em trai khi trên đường bỏ trốn. Đó là vào sáng 26-7, Tú và Đạt đã được một anh P.V đón và đưa đi tạm lánh khỏi sự truy lùng của một số đối tượng, sau đó mới gặp CA làm việc. Hợp đã gọi nhờ điện được cho người thân ở TPHCM gửi tiền “chuộc” sau 2 ngày làm kiệt sức.
Theo tờ rơi dán cột điện này, Cường và 3 thanh niên khác đã rơi vào cạm bẫy. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CA, Cường cũng đã “hội ngộ” với các đồng hương trong ngày và được chính quyền tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ về Quảng Trị. Người ở quê nhà thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng rút ra bài học đắt giá không cho riêng ai. Hàng tháng Quảng Trị vẫn tổ chức các phiên chợ việc làm vào giữa tháng, cũng như các ngành đang ưu tiên hỗ trợ học nghề cho nông dân, các lao động hãy đến nơi uy tín này để liên hệ, trao đổi tìm cơ hội việc làm cho mình, tránh những rủi ro hiểm họa khôn lường.
Bảo Hà