Báo Công An Đà Nẵng

Cám cảnh tái định cư thủy điện (2)

Thứ năm, 03/04/2014 10:07

* BÀI II: ĐÌU HIU LÀNG TÁI ĐỊNH CƯ

(Cadn.com.vn) - Giữa cái nắng chói chang, hơn 100 ngôi nhà tái định cư ở làng Tung, làng Gút (xã Krong, H. K’Bang, Gia Lai) đóng cửa kín mít, không một bóng người. Hỏi ra mới biết người dân trong làng ở trên khu vực rẫy cũ, lâu lâu mới về trong ngôi nhà tái định cư của mình, lũ trẻ cũng theo chân bố mẹ ở miết trên rẫy nên chuyện học trở thành sao nhãng...

Đìu hiu làng mới

Con đường dẫn vào làng Tung, làng Gút đã được trải bê-tông và san sát là những ngôi nhà tái định cư (TĐC). Nhìn từ xa người ta nghĩ chắc đây là một ngôi làng sầm uất, có đời sống khá giả. Thế nhưng, chỉ khi đi vào làng mới thấy vẻ đìu hiu. Không một bóng cây, không một con heo, con gà luẩn quẩn bên hiên nhà như những làng đồng bào người Ba Na khác. Tìm quanh chỉ có vài ngôi nhà mở cửa toang vì bên trong không có gì quý giá ngoài mấy bộ quần áo cũ, vài cái nồi bên bếp lửa đã nguội.

Loanh quanh hồi lâu mới thấy ngôi nhà của một người dân mở cửa, mấy thanh niên, đàn ông đang ngồi nhậu với chai rượu trắng và huyết heo. Chủ nhà là Đinh Blơn đã ngất ngưởng. Hỏi ra mới biết hôm nay Blơn không đi rẫy nên ở nhà nhậu. Đám thanh niên cũng như Blơn khi được hỏi về nơi ở mới thế nào đều tranh nhau kể: “Ồ, làng mình lên làng cũ làm thôi, chứ ở đây đất có làm được gì đâu, cây bắp, cây mỳ không sống được. Khổ lắm! Không có gì làm nhiều thì mình uống rượu cho vui thôi!”.

Muốn lên rẫy cũ người dân làng Tung, làng Gút phải vượt qua
nhiều đoạn đường nguy hiểm thế này.

Thì ra, dù được cấp nhà, cấp đất TĐC, định canh nhưng không có cái đất để làm ra hạt bắp, hạt lúa thì dân làng lại lũ lượt kéo nhau về làng cũ. “Dù không được ở cái nhà xây, không được gần cái điện, cái trường thì chịu được, chứ không có cái ăn thì tội lũ con nít lắm. Lũ con nít làng Tung mình cũng theo chân cha mẹ nó lên rẫy và không có ai về học mấy vì ở xa quá mà”, Đinh Phước-một thanh niên làng Tung kể.

Tương tự, vào căn nhà có vẻ khá giả hơn là Đinh Dậu, trưởng làng Gút, gặp Đinh Dậu đang ôm cây đàn ghi ta đã cũ ngồi bấm mấy nốt nhạc lạc cả nhịp. Hỏi về đất sản xuất, Đinh Dậu kéo tay ra cửa chỉ về phía bên kia đồi. “Chú thấy đó, đất phía trên đó Nhà nước cho làng Gút 25ha, làng Tung 25ha để sản xuất bên khu TĐC này. Thế nhưng, đất có làm được đâu, đất xói mòn lắm, từ khi về đây trồng được 1 vụ rồi thôi. Cả làng giờ phải về làm ở làng cũ rồi!”. Ông Đinh Dậu cũng cho biết, nhiều ngôi nhà trong làng cũng bỏ hoang không có ai ở và đang xuống cấp nghiêm trọng. Thời điểm này vào làng rất khó gặp người dân, bởi họ đi vào rẫy và ở trong các nhà đầm. Chỉ những lúc làng có lễ hội hoặc họp làng thì dân làng mới về, chứ không thì phải một tháng họ mới về một lần.

Ông Đinh Dậu chỉ về miếng đất được cấp để sản xuất nhưng bỏ hoang nhiều năm qua
vì đất xấu, dốc.

Hơn 90% là hộ nghèo

Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của hai làng Tung và làng Gút được hình thành theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010. Dự án có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng và sẽ cho di dời 149 hộ dân của hai làng vượt qua 2 con suối sâu đến khu vực mới cách UBND xã gần 4 km (khu dân cư rộng hơn 30 ha). Tổng thể làng mới gồm 149 căn nhà xây kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học), 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê-tông, 1 đường điện thắp sáng và hỗ trợ khai hoang 50 ha đất sản xuất...

Thế nhưng, sau 3 năm kể từ đầu năm 2011 đến nay bà con dân làng Tung, làng Gút không khá hơn được bao nhiêu khi số hộ nghèo ở cả hai làng chiếm tỷ lệ hơn 90% (làng Tung 68 hộ, chiếm 91%; làng Gút 72 hộ, chiếm 96%). Chủ tịch UBND xã Krong Đinh Ních rầu rầu cho biết: “Từ đầu năm 2011, bà con dân làng Tung, làng Gút được vận động về nơi ở mới có đầy đủ các cơ sở vật chất, bà con lúc đó phấn khởi lắm.

Nhưng đất sản xuất là vấn đề cực kì khó khăn khi 50ha đất sản xuất được cấp làm được 1-2 mùa rẫy thì không thể sản xuất được nữa, đất thì đồi dốc. Thế nên bà con của 2 làng lại phải di dời về nơi ở cũ cách khu TĐC hơn 9km đường rừng để tiến hành canh tác, gieo trồng”. Không chỉ thế, nhiều người dân thiếu đất sản xuất đã tìm cách lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, kéo theo cả một hệ lụy không nhỏ.

Có một thực trạng đau lòng khác nữa là việc học tập của các em bị gác lại khi phải theo chân bố mẹ lên rẫy, lên nhà đầm ở lại mà ông chủ tịch xã cùng các đơn vị của địa phương vẫn chưa thể giải quyết được. Hầu hết trẻ em ở trong độ tuổi đến trường đều không tới lớp học. Số theo cha mẹ vào trong rẫy rồi ở trong luôn, số ít còn lại thì ở lại làng, tuy nhiên việc đến lớp học cũng thất thường. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: Ở đây việc học hành của các em chán lắm, bữa đông nhất thì có khoảng hơn 10 em, còn thường thì có 4 - 5 em thôi. Hầu hết các em đều theo cha mẹ vào rẫy ở, lâu lâu mới về lại làng.  “Dù xã đã tổ chức vừa họp vừa vận động để bà con về khu TĐC nhưng khi xã họp thì có mặt nhưng họp xong thì họ lại về nơi rẫy cũ canh tác sinh sống ở trong đó”, ông Đinh Ních chua xót.

Như cán bộ mặt trận xã Krong là ông Bying người làng Gút cũng trăn trở khi bà con dân làng phải đi làm xa, một khu TĐC với việc xây dựng hoành tráng trở nên đìu hiu khi bà con chưa thể an cư, chứ nói gì đến lạc nghiệp. Những năm qua, hàng trăm con người của làng Tung, làng Gút vẫn chưa thể ổn định được cuộc sống. Con đường lên rẫy, lên nương chông chênh những con chữ của lũ trẻ. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với huyện trong các cuộc họp hội đồng thế nhưng đến nay dân làng Tung, làng Gút vẫn phải chịu cảnh thiệt thòi”, ông Đinh Ních cho hay.

Theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu đặt ra phải làm sao cho đồng bào DTTS: “có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng...”. Thế nhưng, ở hai làng Tung và làng Gút thì chuyện đó vẫn còn xa vời lắm! Và còn nhớ một lần trong buổi làm việc tại UBND H. K’Bang, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trăn trở: “Huyện K’Bang nếu so với các nơi khác thì không đến nỗi gì nhưng tại sao tỷ lệ hộ nghèo cao như vậy?”.

Minh Tân
(còn nữa)