Báo Công An Đà Nẵng

Cám cảnh tái định cư thủy điện

Thứ tư, 02/04/2014 11:17

* Bài 1: Nghèo hơn khi có thủy điện

(Cadn.com.vn) - Huyện K'Bang (Gia Lai) là huyện được xem là nóng nhất không chỉ của tỉnh Gia Lai mà của cả nước về vấn đề tái định canh, định cư sau các dự án thủy điện, dự án di dân tái định cư. Những tưởng rằng khi được sự hỗ trợ, đời sống người dân vơi bớt đi nhọc nhằn thế nhưng người dân lại nghèo hơn, lo lắng nhiều hơn.     

Cuộc đại di dời, tái định cư    

Khi Dự án công trình thủy điện An Khê  - Ka Nak được xây dựng, người dân ở địa bàn H. K'Bang phấn khởi và vui mừng hơn bao giờ hết bởi một dự án mang tầm cỡ quốc gia được triển khai, đặc biệt là lời hứa: điều tiết nguồn nước cho sản xuất, đáp ứng nguồn điện... Để xây dựng Thủy điện An Khê - Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai, UBND H. Kbang và Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (gọi tắt là Ban 7) đã thành lập các bộ phận chức năng, phối hợp thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức đưa người dân trong vùng chịu ảnh hưởng về nơi ở mới.

Theo quy hoạch tổng số hộ, khẩu di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ là 496 hộ dân với gần 2.400 khẩu và được bố trí 5 khu tái định cư (TĐC): làng Cam, làng Krối 1, thôn 2, thôn 3 (xã Đăk Smar), làng Chợt, làng K'Bang (xã Lơ Ku). H. K'Bang còn phải nhường 2.500ha đất với hơn 1.168 hộ chịu ảnh hưởng và tiến hành bố trí lại đất sản xuất cho 437 hộ dân với tổng diện tích hơn 570ha.

Thủy điện An Khê - Ka Nak đã chặn dòng, phát điện nhưng đến nay việc tái định canh
cho người dân huyện K'Bang vẫn còn bỏ dở.

Dù dự án được khởi công từ cuối năm 2005, đầu năm 2006 nhưng mãi đến nay chỉ mới giao đất được hơn 436ha, còn lại gần 136ha chưa giao cho các hộ dân tái định canh. Ngoài ra, hàng chục hộ dân ở làng Groi, thị trấn Kbang vẫn chưa được giao đất vì chưa thể tìm được tiếng nói chung giữa Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku và Ban 7 trong việc xác định mốc giới cụ thể của diện tích đất có rừng hay không có rừng.

Đồng thời, theo quy hoạch tại 5 khu tái định canh trên địa bàn H. K'Bang, diện tích đất sản xuất được cấp lại cho các hộ bị ảnh hưởng từ 1,08ha đến 1,90ha/hộ. Bên cạnh đó, để đảm bảo ổn định đời sống người dân, mỗi hộ dân bị thu hồi đất sản xuất được hỗ trợ 6 tháng gạo. Chủ trương triển khai là thế nhưng đến nay việc bố trí và cấp lại đất sản xuất cho bà con vẫn chưa đủ. Chưa kể đến một số diện tích đất đã cấp nhưng người dân nhất quyết không nhận bởi không đủ điều kiện để canh tác: đất bạc màu, cằn cỗi, đất dốc. Nhiều nơi như làng Krối 1, xã ĐăkSơMa, làng Groi, thị trấn K'Bang và làng K'Bang, làng Krối 2, xã Lơ Ku vẫn chưa được cấp đất.

8 năm chờ đất sản xuất

Làng Groi chỉ cách thị trấn K' Bang vài cây số thế nhưng khác với vẻ sầm uất của thị trấn, nơi đây những mái nhà sàn chen chúc nhau trong một khoảng đất chật hẹp. Dù không phải TĐC như ở những nơi khác nhưng 92 hộ dân làng Groi phải nhường đất sản xuất để dự án thủy điện An Khê - Ka Nak mọc lên. Ngồi đan những chiếc gùi để bán kiếm chút tiền mua gạo trong thời gian rảnh rỗi bởi đất sản xuất được bố trí vẫn chưa có, ông Đinh Lộc kể lại ngày làng nhường đất cho thủy điện An Khê - Ka Nak từ cuối năm 2005, đầu năm 2006. Thế nhưng, mãi đến nay vấn đề đất sản xuất cho gia đình ông cũng như 91 hộ còn lại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhớ lại mảnh đất mà con heo rừng, con nhím phải thèm mỗi khi vào vụ thu hoạch cây lúa, cây ngô, ông Lộc bức xúc: "Tôi yêu cầu Ban 7, H. K'Bang, thị trấn K'Bang làm sao mà giải quyết dứt điểm cho dân làng Groi, đời sống của bà con mình rất phức tạp cho nên phải khẩn trương tìm lại đất mới đàng hoàng cho dân làng mình". Ông Lộc cũng không giấu sự bất bình khi cho rằng, thủy điện chỉ làm sao mau chóng lấy được đất của người dân rồi sau đó bỏ mặc dân làng nên người dân trong làng đã trở nên nghèo đói đi sau khi nhường đất sản xuất cho thủy điện.

Không có đất sản xuất, ông Đinh Lộc hàng ngày đan gùi để bán kiếm tiền nuôi vợ con.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự khi phải ngồi ở nhà ngóng về nơi cái rẫy đã ngập trong lòng hồ thủy điện, già Đinh Grươm kể: "Hồi làm thủy điện, họ (Ban 7) cam kết là đền bù thỏa đáng cho gia đình già, nhưng họ nói cho có thôi, mình đã từ chối mảnh đất được cấp rồi chứ cây lúa, cây ngô sao sống được trên đất đó". 8 sào đất ông được bố trí TĐC là 8 sào đất bạc màu, sỏi đá khó canh tác và còn bị người vùng khác đến xâm canh và ông Grươm đã từ chối nhận mảnh đất mới này. Cũng hoàn cảnh tương tự, già Koh cũng ngồi bó gối trước sân, nhớ cái rìu, cái rựa khi đi làm rẫy: "Đất tái định canh giờ nhà mình cũng không có, muốn đi làm rẫy phải đi qua làng Cam (xã ĐăkSơMa) cách làng cả mấy chục cây số. Mình thì già rồi, cái chân đi không nổi, chỉ biết ở nhà miết thôi", già Koh ngậm ngùi. Đến giờ này, già Koh cũng như các hộ gia đình khác vẫn chưa biết đất tái định canh được bố trí chỗ nào.

Trao đổi về vấn đề tái định canh, định cư cho người dân bị thu hồi đất, ông Hồ Trung Hưng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND H. K'Bang cho biết: "Thủy điện An Khê - Ka Nak nút cống hồ chứa từ tháng 9-2010 và đã phát điện nhưng mà cho đến nay còn thiếu khoảng 140ha đất sản xuất chưa tìm nguồn để giải quyết cho bà con được. Trong đó, làng Groi của thị trấn K'Bang và hiện nay là có 92 hộ dân đến nay vẫn chưa được giải quyết, thiếu đất sản xuất, làm bà con bức xúc và chính quyền địa phương chúng tôi cũng bức xúc". Ông Hồ Trung Hưng cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định canh, định cư một cách cụ thể, ổn định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người bị thu hồi. Đối với những dự án thuộc diện tái định canh, TĐC thì trước khi thu hồi đất phải xây dựng phương án tái định canh, TĐC trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt rồi mới triển khai thực hiện. Như vậy mới  đảm bảo cho người bị thu hồi đất có nơi ở ổn định ngay từ ban đầu, sau khi bàn giao đất ở, đất sản xuất cho dự án.

Nói là thế, nhưng qua những thực tế ở các khu TĐC, định canh không chỉ nằm trong các dự án thủy điện mà chủ trương của Chính phủ cũng phải chịu cảnh thiệt thòi.

 Minh Tân
(còn nữa)