Báo Công An Đà Nẵng

Cầm đồ, cầm... đời sinh viên!

Thứ tư, 02/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Những năm gần  đây  dịch vụ cầm đồ mọc lên như nấm ở các thành phố lớn, các thị trấn, khu đông dân cư... Với lãi suất 8 - 12%, cầm đồ trở thành gánh nặng cho người gặp khó phải cầm cố tài sản, nhất là  học sinh, sinh viên (SV).

Kinh hoàng tiệm cầm đồ

Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... mà ngay đến các thị trấn, các vùng đông dân cư, tiệm cầm đồ cũng xuất hiện nhan nhản và chưa bao giờ dịch vụ này phát triển nhanh và nhiều đến thế. Ngay con đường tôi ở dài khoảng 700m đếm trên đầu ngón tay cũng phải có khoảng 5 -  6 tiệm cầm đồ đang hoạt động. Bà N.T. Mai đường P.N.X (Đà Nẵng) cho biết: "Cho người ta cầm đồ chắc mà lãi suất cao, ít bị thua lỗ tội gì mình không làm. Học sinh, SV đi học xa thì luôn luôn cần tiền. Muốn xoay tiền khó do vậy họ phải đi cầm đồ để có tiền giải quyết công việc. Sau đó có tiền thì họ lại đi chuộc đồ về".

Anh N.T. Luân, SV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tâm sự: "Khi khó khăn tôi cũng hay cầm đồ. Bằng cấp III, điện thoại di động, laptop, CPU hay xe gắn máy là những món hàng được giới SV cầm cố nhiều nhất. Tuy biết giá cầm là cắt cổ nhưng bí tiền thì phải cầm đồ chứ biết sao được?".

Được sự giới thiệu của anh N.Đ-SV Trường ĐHBK, tôi mang chiếc xe Sirius mới mua được khoảng 2 tháng đến tiệm cầm đồ Thuận Phước trên đường T.Đ.T  (Đà Nẵng). Sau khi xem xong, anh chủ hỏi tôi: "Định cầm bao nhiêu đây?". Tôi bảo: "10 triệu đồng được không anh?", anh chủ bảo "Tuy xe chú còn mới nhưng chỉ được 7 triệu thôi". Năn nỉ mãi tôi mới cầm được 8 triệu đồng. Tôi hỏi lãi suất bao nhiêu % tháng, anh nói ngay "10 % tháng". Tôi  hỏi tiếp "Anh cho cầm ở đây được bao nhiêu lâu?",  anh nói "chỉ cầm 15 ngày, người quen anh cầm 1tháng, còn với chú thì anh có thể cho cầm 1 tháng nhưng đúng ngày hẹn phải lấy, nếu chậm quá 3 ngày, anh "thanh lý" là chú khỏi lấy".

 

Phải thừa nhận "dịch vụ cầm đồ" là một trong những ngành dịch vụ kiếm lời nhất hiện nay. Bỏ vốn ít mà lời nhiều. Rất ít ngành dịch vụ nào kinh doanh mà lời cao, ít bị rủi ro như ngành cầm đồ. Anh T.P- chủ tiệm cầm đồ ở đường T.Đ.T cho biết: "Tiệm cầm đồ của anh chỉ cầm xe máy, laptop  và CPU thôi, còn những thứ lặt vặt anh không cầm đâu. Cầm những thứ này lời cao. Đa số những người cầm đồ ở quán của anh là SV.  Hết tiền thì họ mang xe máy, laptop, CPU đi cầm. Nếu họ không lấy lại được thì mình thanh lý do vậy lời mới cao, SV cầm đồ lấy lại khó lắm".

Đã mở dịch vụ cầm đồ này thì cái gì có giá trị là cầm. Chỉ cần có giấy tờ hợp pháp là cầm được. Anh Đạt, một chủ tiệm cầm đồ nói "Khách hàng đủ loại, kể cả con nghiện, bọn trộm cắp, nhưng phần lớn vẫn là SV". Nhìn vào trong quán, chúng tôi thấy CPU và xe máy xếp ngổn ngang. Và trong số đó có mấy người tới lấy lại đồ được?

 

Theo quy định của Nhà nước, lãi suất không quá 4,2% đối với các dịnh vụ cầm đồ. Nhưng thực tế thì 100% các dịch vụ cầm đồ đều tăng phí cầm đồ lên khoảng 10%. N.Tiến, một chủ tiệm cầm đồ ở Đà Nẵng xác nhận "Chỗ nào lãi suất cũng vậy, thích thì cầm không thích thì thôi, không lằng nhằng. Tôi đố cậu cầm đồ ở quanh khu vực này mà lãi suất dưới 6% thì tôi dẹp tiệm cầm đồ này  ngay".

Cầm đồ... hay cầm đời sinh viên?

Theo Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ "Quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước" thì  lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ: tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ.
Theo quan sát của  tôi, phần lớn những người cầm đồ là những SV học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đem thế chấp tài sản của mình để phục vụ cá nhân, nhu cầu ăn chơi... SV N.H.P -SV học ĐH Sư phạm Đà Nẵng là điển hình. Do nhu cầu ăn chơi, cá độ bóng đá, hết tiền phải đi cầm đồ lãi suất cao... Hiện đã bị đình chỉ thôi học. Hay hàng loạt các SV Trường Bách khoa Đà Nẵng cũng tình trạng đó như N.H.T, N.M.T, T.N.P... nhà trường cũng đã buộc phải thôi học.

Anh N.C.B, SV Bách khoa Đà Nẵng cho biết, mùa cúp C1 vừa qua anh cũng mới mất cái laptop hiệu Dell, do đến trễ hẹn không xoay tiền lấy ra được. Đành ngậm ngùi nhìn nó bay đi.

Thực trạng cầm đồ đối với SV hiện nảy sinh rất nhiều hệ lụy, có trường hợp tác hại đến cả tương lai của những bạn trẻ. Với bài viết này, chúng tôi muốn báo động về điều đó và mong các bạn SV hãy cảnh giác mà dừng lại...

Nguyễn Thành Nam