Báo Công An Đà Nẵng

Cam kết không dễ dàng

Thứ bảy, 21/11/2020 04:40

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng chính thức ra lệnh cho Lầu Năm Góc cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan và Iraq xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua kể từ khi Washington đưa quân vào hai chiến trường này. Quyết định này rõ ràng đưa ông Trump tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa cam kết cách đây 4 năm, đó là khép lại những cuộc chiến kéo dài đầy tốn kém của Mỹ ở nước ngoài.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đặt mục tiêu chấm dứt những cuộc chiến dai dẳng của Mỹ tại nước ngoài, đặc biệt tại Afghanistan – những cuộc chiến mà ông cho rằng chính đảng Dân chủ đã gây ra. Đó là lý do trong suốt các chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Trump cũng dùng vấn đề này như một “lá bài” chỉ trích phe Dân chủ, đồng thời nhiều lần lặp lại cam kết đẩy nhanh tiến trình rút lực lượng Mỹ tại các chiến trường.

Hồi tháng 7, Lầu Năm Góc đã hoàn thành giai đoạn đầu trong thỏa thuận rút quân khỏi Afghanistan, theo đó giảm xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày. Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington tiến tới rút toàn bộ binh sĩ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc suôn sẻ. Trên thực tế thì trong 4 năm qua, Washington đã tập trung vào việc di chuyển vị trí và tái định vị chiến lược của lực lượng khoảng 200.000 quân đồn trú ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Không chỉ ở các chiến trường lớn, với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump quyết định rút 6.400 binh sĩ ra khỏi Đức với lý do toàn bộ gánh nặng ngân sách duy trì lực lượng và liên minh tại đây đè lên vai nước Mỹ và người dân Mỹ, trong khi Berlin không đóng góp phần trách nhiệm cho ngân sách quốc phòng của NATO.

Các chuyên gia cho rằng, dù Afghanistan và Iraq là những chiến trường gây nhiều tổn thất về tiền của và nhân mạng đối với nước Mỹ, nhưng dường như Washington không đạt được những mục tiêu đề ra khi triển khai quân đến đây. Thậm chí, ở một phương diện nào đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ lại mang đến sự hỗn loạn cho các quốc gia này, và điều đó khiến hình ảnh và uy tín của một siêu cường số 1 thế giới giảm sút mạnh.

Tại Afghanistan, Mỹ đã phải tiêu tốn tới hơn 1.000 tỷ USD sau khi bắt đầu mở màn vào năm 2001, ngay sau vụ tấn công ngày 11-9, với mục tiêu được Washington đưa ra là tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và lật đổ chế độ Taliban. Số lượng quân Mỹ tại đây tăng đều đặn, lên tới hơn 110.000 người. Trong 19 năm chiến sự, Mỹ mất hơn 2.300 binh sĩ và khoảng 20.000 người bị thương. Hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Mỹ mỗi năm. Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận với lực lượng Taliban, nhưng tới thời điểm này, hòa bình ổn định vẫn là điều xa xỉ đối với quốc gia Nam Á này.

Tình hình ở Iraq cũng tương tự. Mỹ đã triển khai quân từ năm 2003 với lý do loại bỏ vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein, người cũng bị Washington cáo buộc “hỗ trợ các phần tử khủng bố AlQaeda”. Nhiều năm sau thời điểm chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, phương Tây thừa nhận không có bằng chứng về cái gọi là “vũ khí hóa học” ở Iraq. Đất nước chìm vào cuộc xung đột giáo phái tàn khốc, với hậu quả hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng.

Có thể nói những gì đang diễn ra ở cả Afghanistan và Iraq không hoàn toàn giống như tuyên bố của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller, cho rằng Mỹ đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là đánh bại các phần tử Hồi giáo cực đoan và hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại nắm giữ vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực. Bởi vậy những quyết định rút dần quân của Tổng thống Trump cũng gây ra phản ứng dữ dội tại Quốc hội Mỹ.

Với Afghanistan, các quan chức cấp cao của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lo ngại quyết định này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia và đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình vốn mong manh giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi những địa bàn trọng yếu như vậy sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh lợi ích với Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng. Điều đó càng khiến vị thế của Mỹ ở các khu vực quan trọng, như Trung Đông hay Trung Á, giảm sút.

T.N