Cấm phạt tiền, cắt lương người lao động
* Bạn đọc hỏi: bà Đỗ Thị Việt Anh, trú Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Tháng 1-2019, tôi có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm với Cty X. chuyên kinh doanh mỹ phẩm. Cuối tháng 8-2019, lãnh đạo Cty X. có trao đổi về việc xử lý kỷ luật sa thải tôi. Tuy nhiên, vì chưa có người khác thay thế nên Cty đó đã không sa thải mà yêu cầu tôi đi làm bình thường trong 5 tháng còn lại của HĐLĐ và tôi chỉ được nhận 1/3 tiền lương. Tôi muốn hỏi rằng, Cty X. làm như vậy là đúng hay sai? Tôi cần làm gì trong trường hợp này.
* Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, trả lời: Người lao động (NLĐ) là nhân tố quan trọng trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp (DN) nói riêng và của xã hội nói chung. Nhà nước ta nhận thức rất rõ vai của NLĐ nên bảo vệ cho quyền lợi của NLĐ là nguyên tắc khá đặc thù trong pháp luật lao động. Do đó, pháp luật quy định rất rõ một số trường hợp mà DN bị cấm áp dụng đối với NLĐ. Khi NLĐ vi phạm nội quy lao động, việc người sử dụng lao động đưa ra những chế tài để xử lý là bình thường. Điều này tạo nên kỷ cương, phép tắc trong DN; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phạt tiền hoặc các hình thức tương tự khác (giữ lương, trừ lương, không trả lương...) không được xem là một hình thức xử lý kỷ luật. Việc bị phạt tiền sẽ đưa NLĐ rơi vào trạng thái bất ổn, ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý, sinh lý... Vì vậy, hành vi này bị cấm và được quy định rất cụ thể tại Điều 128 Bộ luật Lao động: "Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động: 1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ; 2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; 3. Xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động". Nếu vi phạm quy định này, người sử dụng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; và còn buộc phải hoàn trả khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho NLĐ. Đối với trường hợp của bà Anh, bà nên làm việc, trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Cty X. rằng quyết định trả 1/3 tiền lương trong 5 tháng còn lại của HĐLĐ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, yêu cầu Cty này trả đủ lương. Nếu Cty X. không thực hiện, bà Anh có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP để yêu cầu giải quyết.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.