Cảm xúc Ngã ba Huế
(Cadn.com.vn) - Trên con đường thiên lý Bắc Nam, địa danh Ngã ba Huế, nơi giáp ranh giữa 3 quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ thuộc TP Đà Nẵng, hẳn đã không còn xa lạ với khách bộ hành trong Nam ngoài Bắc. Với vị trí quan trọng, đầu mối giao thông huyết mạch trên tuyến đường Quốc lộ IA, Ngã ba Huế đã ghi dấu ấn của mình vào quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương. Những ngày này, khi Ngã ba Huế đang là đại công trường trọng điểm của thành phố Đà Nẵng với công trình Cầu vượt Ngã ba Huế, chân dung của một công trình giao thông đồ sộ đang dần lộ diện, hứa hẹn một tương lai mới cho địa danh này.
Cầu vượt Ngã ba Huế sắp hoàn thành-niềm tự hào của người Đà Nẵng. Ảnh: C.K |
Ngã ba Huế - chứng nhân lịch sử
Hiện nay, chưa có một tư liệu nào xác định thời gian xuất hiện của cái tên "Ngã ba Huế" nhưng có thể chắc chắn rằng, khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta với việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ Đà Nẵng -Huế, xây dựng tuyến đường sắt đồng thời với việc xây dựng sân bay Đà Nẵng thì tên gọi Ngã Ba Huế (chỉ ngã ba nơi có con đường đi Huế) đã hình thành và ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người. Ngay từ khi mới hình thành vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Ngã ba Huế đã có một vị trí quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch giữa Đà Nẵng và kinh đô Huế, đây là cửa ngõ phía Bắc của Đà Nẵng mà tất cả các chuyến xe vào Nam hay ra Bắc đều bắt buộc phải đi qua.
Thời gian ấy, Ngã ba Huế là một vùng còn khá hoang vu, ít dân cư sinh sống, đây cũng là nơi giao nhau của các làng Trung Nghĩa, Hòa An, Thanh Khê và Yên Khê. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, để thực hiện chủ trương kìm chân địch trong thành phố, xây dựng vành đai chặn bước tiến của thực dân Pháp, lực lượng dân quân du kích tại địa phương và lực lượng của Trung đoàn 96, Quân khu V đã tiến hành phá hủy đoạn đường qua Ngã ba Huế và xây dựng tuyến phòng thủ từ biển Phú Lộc, Yên Khê, Ngã ba Huế, Phước Tường... Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra tại địa danh Ngã ba Huế, những tấm gương hy sinh anh dũng của quân và dân ta tại đây đã góp phần làm nên danh hiệu "Giữ vững" của thành phố Đà Nẵng trong những tháng ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp.
Với đặc thù là địa bàn giáp ranh, là bàn đạp quan trọng để tiếp cận thành phố và sân bay Đà Nẵng, trong những năm chống Mỹ, Ngã ba Huế là nơi cán bộ cách mạng thường xuyên về hoạt động. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tại Ngã ba Huế đã diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa lực lượng biệt động thành và Mỹ ngụy. Ngày 29-3-1975, Ngã Ba Huế là nơi những đoàn quân giải phóng từ các hướng tây bắc, tây nam tiến vào giải phóng quê hương, kết thúc 21 năm trong vòng kìm kẹp của kẻ thù. Có thể nói, trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của thành phố, Ngã ba Huế đã trở thành chứng nhân cho những sự kiện quan trọng trên chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của thành phố Đà Nẵng.
Ngã ba Huế - điểm hẹn của sự đồng thuận
Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là khi thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, mật độ dân số tăng cao thì địa danh Ngã ba Huế nổi lên như một điểm đen về ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Là một đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ có sự giao cắt với đường sắt Bắc Nam, hằng ngày có hàng chục ngàn phương tiện giao thông lưu thông qua Ngã ba Huế. Do tính chất giao thông tại nút phức tạp, xuất hiện sự cản trở lẫn nhau giữa các loại xe: giữa xe thô sơ và xe cơ giới, giữa đường sắt và các tuyến đường bộ, giữa xe và người qua đường. Những khi có tàu đi qua, tình trạng ùn tắc diễn ra kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Ngã ba Huế trước đây. |
Đặc biệt, Ngã ba Huế được xem là xa lộ tử thần với hàng loạt vụ TNGT thảm khốc, cướp đi sinh mạng nhiều người. Vào mùa mưa bão, tại Ngã ba Huế diễn ra tình trạng ngập úng cục bộ gây ùn tắc giao thông và nguy hiểm cho các phương tiện. Cùng với đó, những phức tạp, ồn ào của một địa bàn giáp ranh, khó quản lý đã tạo cho Ngã ba Huế trở thành một điểm nóng về ANTT của TP Đà Nẵng. Làm thế nào để thay đổi tình trạng giao thông, ANTT trong khu vực để đẩy lùi tệ nạn xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân tại khu vực Ngã Ba Huế... là những vấn đề cấp thiết đặt ra với lãnh đạo thành phố, và là ao ước của người dân sinh sống nơi đây.
Và những mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi Công trình Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế được khởi công xây dựng vào ngày 28-9-2013. Để thi công dự án này, hơn 200 hộ dân thuộc 3 quận Thanh Khê, Liên Chiểu và Cẩm Lệ đã phải di dời để lấy mặt bằng. Có thể nói, công trình cầu vượt Ngã Ba Huế là nơi hội tụ của sự đồng thuận xã hội, một nét đặc trưng của Đà Nẵng. Khi công trình được khởi công, ít ai có thể hình dung một khu vực có mật độ dân số cao với nhiều hộ dân đã sinh sống, làm ăn buôn bán hàng chục năm tại Ngã ba Huế có thể được giải tỏa, bàn giao mặt bằng để thi công cầu vượt. Thành phần dân cư tại Ngã Ba Huế khá phức tạp, phần đông là những người lao động phổ thông và buôn bán nhỏ, đời sống không ít khó khăn. Để người dân có thể thấu hiểu chủ trương chính sách của Nhà nước để di dời nơi ở đã gắn bó từ khá lâu để đi đến nơi ở mới là một điều không dễ dàng.
Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và các Quận có liên quan cũng như cả hệ thống chính trị xã hội tại địa phương, những chủ trương chính sách của thành phố đã được phổ biến đến tận nhân dân. Những chính sách hỗ trợ về thuê nhà ở, thưởng tiến độ, hỗ trợ kinh phí ăn Tết... đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố đến đời sống của người dân. Và đáp lại sự quan tâm đó, hơn 200 hộ dân thuộc địa bàn P.Hòa Minh Q. Liên Chiểu, P.Hòa An Q. Cẩm Lệ và P.Thanh Khê Tây Q. Thanh Khê đã đồng thuận bàn giao một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở của mình để phục vụ cho công trình cầu vượt Ngã ba Huế. Mặc dù thời gian thi công công trình khá gấp, yêu cầu kỹ thuật cao nhưng với sự hợp tác, bàn giao mặt bằng sớm của người dân nên công tác thi công được đảm bảo, đúng tiến độ đề ra. Đó là minh chứng sinh động cho bài học về sự đồng thuận của nhân dân, về sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội trong công tác giải tỏa, đền bù.
Những ngày công trình cầu vượt Ngã ba Huế được thi công, mọi phương tiện giao thông đều phải di chuyển ở những tuyến đường tránh hoặc các con đường kiệt hẻm thuộc đường Tôn Đản hay Nguyễn Như Hạnh để dành không gian cho việc thi công cầu vượt. Vào những giờ cao điểm, lưu lượng xe di chuyển rất lớn với không ít những khó khăn, vất vả nhưng mọi người tham gia giao thông lẫn người dân trong khu vực vẫn cố gắng vượt qua, bởi lẽ, mọi người đều muốn công trình cầu vượt sớm hoàn thành và đi vào sử dụng. Đó cũng chính là sự đồng lòng, cảm thông của người dân với công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Tính đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và hứa hẹn sẽ khánh thành vào đúng kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-3-2015).
Đà Nẵng đã vào xuân, mùa xuân thứ 40 trên con đường độc lập, tự do và dựng xây thành phố. Trên công trình cầu vượt Ngã ba Huế, không khí lao động vẫn rất hăng say, những người công nhân đã quên đi cả những ngày Tết đến xuân về, hy sinh quyền lợi của bản thân, chạy đua với thời gian để chung sức cho một công trình trọng điểm. Và Ngã ba Huế, địa danh của lịch sử, của điểm hẹn lòng dân sẽ bước sang một trang mới với niềm tin về một công trình, điểm nhấn cửa ngõ phía bắc Đà Nẵng.
Chánh Tín