Báo Công An Đà Nẵng

Cảm xúc viết từ Khoa Lão

Thứ ba, 24/08/2021 21:15

1. Những ngày này, cảm xúc dồn ứ đến nghẹt thở con tim. Muốn viết, muốn sẻ chia thật nhiều, nhưng ngôn ngữ bỗng trở nên bất lực. Và rồi, cảm xúc chợt vỡ òa khi chứng kiến cuộc tiễn đưa đồng nghiệp tại Khoa Lão - Bệnh viện Đà Nẵng lên Bệnh viện dã chiến phía tây TP Đà Nẵng để cùng các đồng nghiệp khác chăm sóc, điều trị, cùng các bệnh nhân “chiến đấu” chống lại dịch bệnh COVID-19. Cuộc tiễn đưa diễn ra chóng vánh, không bịn rịn. Thay mặt tập thể Khoa Lão, Trưởng khoa Phạm Văn Tú, Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Thị Bích Hạnh ân cần dặn dò hộ lý Hiền - nhân viên y tế của Khoa được điều động tăng cường cho Bệnh viện dã chiến đợt này: “Giữ gìn sức khỏe nghe em”; bác sĩ Nguyễn Duy Khoa lấy kính chống bắn trao cho hộ lý Hiền trước lúc lên đường, điều dưỡng Hiền (A) xách hộ va ly cho đồng nghiệp; các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý còn lại đứng bên trong cánh cửa khoa dõi mắt nhìn theo dáng hộ lý Hiền dần xa. Chỉ thế thôi mà tôi cảm nhận cuộc tiễn đưa chất chứa biết bao tình cảm.

Phút nghỉ ngơi của lực lượng y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại P.Phước Mỹ. ảnh Thanh Thúy

Trước đó, hộ lý Hiền không nằm trong ca kíp trực của Khoa Lão trong 7 ngày đầu Đà Nẵng thực hiện giãn cách “đặc biệt”. Đến thứ sáu (20-8), cô và điều dưỡng Trinh được gọi vào Khoa làm việc. Sau khi chờ kết quả xét nghiệm, chiều tối cô mới vào Khoa thì sáng thứ bảy (21-8) đã nhận được lệnh của cấp trên chuẩn bị hành lý để tăng cường cho Bệnh viện dã chiến phía tây TP. Nhận tin, hộ lý Hiền nhanh chóng về phòng nghỉ chuẩn bị hành lý. Trong chiếc va ly nhỏ không phải là quần áo mà là nhu yếu phẩm đem lên cho các đồng nghiệp cùng một ít vật dụng cá nhân. “Cả ngày mặc đồ bảo hộ, đồng phục y tế, đâu cần đem theo áo quần làm gì ạ”- hộ lý Hiền cười nhẹ. Sau lớp khẩu trang che khuất gương mặt cùng kính chống bắn, chỉ lộ đôi mắt với ánh nhìn thật bình thản, tôi cảm nhận được nụ cười của hộ lý Hiền nhẹ nhàng biết bao. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm một lần nữa, cô vẫn làm việc như mọi ngày: làm vệ sinh, thay áo quần, thay tả, thay ra trải giường, đổ bô cho những cụ ông, cụ bà nằm một chỗ không thể đi lại được, rồi đem các mẫu đi xét nghiệm, cùng kíp trực phát thức ăn cho bệnh nhân…Hỏi sao không nghỉ ngơi trước lúc lên đường, hộ lý Hiền cười cho hay, các đồng nghiệp khác đã quá tải vì công việc. Bởi đến thời điểm này, Khoa Lão đã có 6 người gồm 1 bác sĩ, 5 điều dưỡng, hộ lý tăng cường cho Bệnh viện dã chiến phía Tây TP và Bệnh viện Phổi; 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng tăng cường tại Khoa Hồi sức, 1 điều dưỡng tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, 1 điều dưỡng tăng cường cho công tác khám sàng lọc tiêm vắt xin…

2.    Mới đây nhất, câu chuyện nữ sinh viên Đào Thị Khánh Linh- Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng, đang tham gia công tác phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn- hay tin cha ở quê nhà Nghệ An đột ngột qua đời nhưng không thể về để tiễn đưa, đành  nén chặt nỗi đớn đau, mất mát vào lòng, nghẹn ngào bái vọng hương linh cha ở nơi tuyến đầu chống dịch khiến ai biết chuyện cũng đều rưng rưng. Được biết, sau khi Sở Y tế TP Đà Nẵng có lời kêu gọi, Khánh Linh cùng 100 SV của Khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng đã tình nguyện được tham gia cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch…

 

Chợt nhớ hôm liên hệ ông Nguyễn Tấn Toàn – chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà (người mà theo  lời của Trưởng Phòng Võ Trung Minh, tuy sắp về hưu nhưng không hề ngại gian khổ, tích cực tham gia trong Tổ hỗ trợ tại P.Nại Hiên Đông- P.V) – với mục đích viết bài về ngành GD-ĐT  TP “chia lửa” cùng tuyến đầu chống dịch, tôi nhận lời từ chối đầy khiêm nhường từ ông: “Việc tôi đang làm có là gì so với tuyến đầu chống dịch. Cô nên tìm hiểu để viết về họ…”.

Viết đến đây, chợt nhớ đến những câu hát trong bài “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai/…/Chân lý thuộc về mọi người/Không chịu sống đời nhỏ nhoi/Xin hát về bạn bè tôi/Những người sống vì mọi người…” để càng trân trọng hơn trước sự hy sinh thầm lặng của những con người luôn biết dấn thân, không quản ngại vất vả, hiểm nguy vì sức khỏe của người dân và cộng đồng.

Với sự dấn thân, lăn xả quên mình của các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, cùng quyết tâm, đồng lòng của nhân dân TP và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, càng củng cố thêm niềm tin trước cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 như chúng ta đã từng thành công trong đợt dịch thứ hai năm 2020- khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Số ca nhiễm trong cộng đồng của Đà Nẵng giảm xuống còn 18 trong ngày 24-8 là một trong những minh chứng cho niềm tin ấy.

Khánh Yên