Báo Công An Đà Nẵng

Cần biện pháp lâu dài giải quyết tình trạng nhiễm mặn sông Vĩnh Điện

Thứ năm, 19/10/2017 18:00

Nhiều ngày qua, sông Vĩnh  Điện (TX Điện Bàn, Quảng Nam) bị nhiễm mặn khiến lượng nước cung cấp cho Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An không đảm bảo dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng tại Hội An. Thực tế hằng năm, việc sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn là chuyện không mới. Đã có hàng chục hội thảo tìm hướng giải quyết nhưng vẫn chưa có biện pháp căn cơ, lâu dài. Sông Vĩnh Điện có vai trò quan trọng cung cấp nước cho cả TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, vì vậy, một giải pháp cấp bách, hiệu quả là điều cần thiết trong lúc này.

Nhiễm mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất hoa màu (ảnh một thửa ruộng bị nhiễm mặn).

Thị xã Điện Bàn là một trong những nơi đất sản xuất thường xuyên bị nhiễm mặn. Nông dân ở đây phải vật lộn từng giờ cứu cây lúa. Để thích ứng thực tế, mỗi năm tỉnh Quảng Nam chi hơn 1 tỷ đồng làm đập ngăn mặn tạm thời cho TX Điện Bàn và chấp nhận con đập này bị nước lũ cuốn trôi khi mùa mưa đến. Báo Công an TP Đà Nẵng từng có bài viết phản ánh tình trạng trên. Ngoại trừ 1 tỷ đồng làm đập ngăn mặn tạm mỗi năm thì cuối tháng 2-2015, trong đợt mưa lũ bất thường tỉnh Quảng Nam từng cấp cho TX Điện Bàn 1,2 tỷ đồng để xây dựng tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện với tổng chiều dài xấp xỉ 96m. Thế nhưng, sau khi công trình hoàn thành khoảng 15 ngày thì mưa lũ bất ngờ xuất hiện cuốn trôi con đập. Thời điểm đó các ngành chức năng đã nghĩ đến phương án làm đập ngăn mặn vĩnh cửu với kinh phí 100 tỷ đồng. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn khiến phương án này không khả thi.

Cuối năm 2016, một hội thảo bàn về xây đập ngăn mặn được tổ chức. Theo đó, dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu tuyến đường ĐH7 qua sông Vĩnh Điện sẽ được đặt tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam được thông qua. Với hình thức kết cấu cụ thể, đập ngăn mặn 2-3 khoang, ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện, kết cấu bê tông cốt thép kiểu trụ đỡ, cửa van clape đóng mở bán tự động bằng xilanh thủy lực, âu thuyền phục vụ giao thông khi đập hoạt động, cầu giao thông tải trọng HL-93 kết hợp. Tuy nhiên phương án này bị nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng tỏ vẻ quan ngại vì sợ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân TP. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện hiện nay chỉ mang tính thời vụ, tạm thời trong khi quá trình mặn xâm nhập đất liền đang diễn biến phức tạp. Để giải quyết căn cơ, tỉnh Quảng Nam đã lập dự án, lên phương án xây một cây cầu qua sông Vĩnh Điện kết hợp xây đập điều tiết nước tự động với hệ thống van thủy lực. Đến mùa kiệt sẽ đóng van không cho mặn vào, mùa lũ hạ van để thoát nước và khi có hiện tượng thời tiết bất thường thì đóng van ngăn mặn. Công trình ước tính khoảng 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chính quyền TP Đà Nẵng chưa đồng tình vì lo ngại xây đập ngăn mặn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước của TP. Hiện nay hai địa phương vẫn đang đối thoại tìm hướng giải quyết vấn đề này.

Những năm qua, Quảng Nam đã huy động nguồn lực không nhỏ để ứng phó với xâm nhập mặn. Hiện tượng này ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ gây nhiễm mặn nguồn nước dân sinh tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Đáng lo ngại hơn là mặn năm nay đến sớm và nặng nề hơn những năm trước. Việc nhiễm mặn gây thiếu nước ở Hội An nhiều ngày qua. Các ngành chức năng cần có biện pháp lâu dài để giải quyết tình trạng trên.

Đồng Dao