Báo Công An Đà Nẵng

Cán bộ bưu điện làm giả thông tin để lừa vay hơn 11 tỷ đồng

Thứ năm, 01/10/2020 10:19

Hồ Văn Nhớ làm giả thông tin 225 phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) của Bưu điện H. A Lưới (TT-Huế) có đóng dấu sẵn rồi đem đi thế chấp vay số tiền hơn 11 tỷ đồng để chiếm đoạt. Ngày 29-9, TAND TT-Huế đưa ra xét xử sơ thẩm Hồ Văn Nhớ (1979, trú H.A Lưới) cùng các đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Nhớ (phải) và các đồng phạm tại phiên tòa.

Hồ Văn Nhớ nguyên là cán bộ bưu điện H. A Lưới được phân công chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người dân và cán bộ hưu trí của 3 xã: Hồng Thái, Bắc Sơn và A Đớt (H. A Lưới). Năm 2015, do cần tiền tiêu xài nên Nhớ đã vay tiền của một số đối tượng ngoài Bắc vào tạm trú ở địa phương. Lãi mẹ đẻ lãi con nên số tiền nợ tăng lên chóng mặt, Nhớ không còn khả năng chi trả. Do không có tiền để trả nợ nên Nhớ nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Nắm bắt được nhu cầu một số cán bộ hưu trí trên địa bàn thường mang phiếu lĩnh lương hưu và sổ trợ cấp bảo hiểm xã hội đi vay tiền, rồi đến tháng họ dùng số tiền được lĩnh này để trả nợ, Nhớ tìm đến một số người cho vay tiền thì họ yêu cầu muốn vay được tiền, phải thế chấp sổ lĩnh lương hưu và sổ trợ cấp BHXH. Hàng tháng, phải trả gốc và lãi đúng hạn.

Với chức trách, nhiệm vụ được giao cho quản lý, sử dụng phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (chưa ghi các thông tin cá nhân cụ thể, nhưng đã có chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị) của tất cả cán bộ hưu trí và người được hưởng trợ cấp xã hội thuộc 3 xã Nhớ quản lý, rồi dùng các phương pháp, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Hồ Văn Nhớ đã tự ghi giả các thông tin vào phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH. Ngoài ra, Nhớ nhờ các đối tượng: Lê Văn Tên (1950); Lê Hồng Nổi (1962); Hồ Văn Thiêm (1955); Nguyễn Anh Thái ( 1956); Hồ Văn Thế (1940). Lê Văn Ta (1972), Hồ Văn Lực (1957) và Vũ Đình Phương (1950, cùng trú H. A Lưới, TT-Huế) đến gặp những người cho vay tiền để xây nhà, trồng cây...

Mỗi phiếu lĩnh lương hưu hoặc sổ trợ cấp BHXH, Nhớ chỉ đạo các đối tượng này vay từ 30-50 triệu đồng, số tiền được trả hàng tháng từ 4-5 triệu đồng. Để đảm bảo cho việc vay mượn tiền, các đối tượng vay mượn tiền phải ký xác nhận. Đồng thời để tạo niềm tin cho những người cho vay mượn tiền, Nhớ còn đứng ra làm chứng và hứa hàng tháng sẽ thu tiền gốc và lãi rồi đem đến nộp lại tại cho những người cho vay tiền... Một vài tháng đầu, việc vay mượn tiền được trả gốc và lãi đều đặn nên những người cho vay tiền hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vì có Hồ Văn Nhớ đứng ra đảm bảo. Các đối tượng được Nhớ nhờ “đóng vai” cán bộ hưu trí hoặc đối tượng chính sách đi vay được tiền thì đem về, sau đó giao lại cho Nhớ. Mỗi lần như vậy, Nhớ “bồi dưỡng” cho một người 500 ngàn đồng.

Với thủ đoạn như trên, từ cuối năm 2016 đến 2018, Hồ Văn Nhớ đã điền thông tin giả trong 225 phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH của Bưu điện H. A Lưới giao cho Nhớ hàng năm, để phát cho cán bộ hưu trí và người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc 3 xã Hồng Thái, Bắc Sơn và A Đớt. Từ việc điền thông tin giả; các đối tượng đã chiếm đoạt của chị Đoàn Thị K.A. hơn 9,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị T. 560 triệu đồng, Lê Thị H. 950 triệu đồng, Lê Thị V. 90 triệu đồng và Lê Thị Phương 350 triệu đồng.

Theo HĐXX, Hồ Văn Nhớ được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các bị cáo khác là người giúp sức, làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Nhớ. Bị cáo Nhớ đã trực tiếp sử dụng 225 phôi phiếu (223 phôi phiếu thật và 2 phôi phiếu photocopy lại) thực hiện 226 lần gian dối, chiếm đoạt số tiền hơn 11 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, để đối phó với Bưu điện H. A Lưới về việc sổ trợ cấp BHXH và phiếu lĩnh lương hưu mà Nhớ đã điền thông tin giả để đi lừa đảo; quá trình chi trả tiền cho cán bộ hưu trí và đối tượng chính sách, Nhớ đã tự lập một bảng kê chi tiết (có đầy đủ thông tin cá nhân, số tiền đã nhận, số tiền sẽ nhận). Hàng tháng, Nhớ chi trả tiền đầy đủ nên không hề có ai khiếu nại gì... Ngoài ra, Nhớ cũng sử dụng tiền này để trả nợ cho những người trước đó và một phần sử dụng tiêu xài cá nhân. Các đối tượng  còn lại cũng sử dụng tiền mà Nhớ chia cho để tiêu xài nên đến nay, cơ quan điều tra vẫn không thể thu hồi được.

Theo đại diện VKSND tỉnh TT-Huế, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần có một mức án nghiêm. Qua xem xét các đối tượng đều là người dân tộc thiểu số và xét toàn bộ tính chất vụ án; HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Hồ Văn Nhớ 17 năm tù; Lê Văn Tên 14 năm tù; Lê Hồng Nổi 9 năm tù; Hồ Văn Thiêm 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Anh Thái 3 năm tù; Hồ Văn Thế 1 năm 3 tháng tù, Lê Văn Ta, Hồ Văn Lực và Vũ Đình Phương 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của những người bị hại.

HẢI LAN