Báo Công An Đà Nẵng

Cần bước đột phá mới cho phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên

Thứ bảy, 16/02/2019 07:26

Hôm nay (ngày 16-2), tại TP Huế diễn ra hội nghị phát triển du lịch (DL) khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây là sự kiện để các địa phương đánh giá lại tiềm năng, hiện trạng phát triển DL; qua đó, định hướng và đưa ra giải pháp phát triển có tính liên vùng. Theo thông tin từ BTC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị phát triển DL khu vực miền Trung-Tây Nguyên có sự tham gia của gần 600 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên; hơn 40 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, 36 tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài.

Nhìn từ Huế - Đà Nẵng- Quảng Nam

Đến 2019 đã là năm thứ 12, 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký kết biên bản hợp tác phát triển trong lĩnh vực DL. Slogan “3 địa phương- một điểm đến” trở thành một thương hiệu lớn trên “bản đồ” DL Việt Nam; được Tổng cục Du lịch đánh giá là mô hình liên kết mẫu của cả nước. Hình thức hoạt động là mỗi địa phương luân phiên làm trưởng nhóm liên kết theo từng năm, nhóm trưởng sẽ là địa phương đưa ra kế hoạch và chủ trì các hoạt động dưới sự thống nhất của cả 3 địa phương.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh TT-Huế cho biết, hiệu quả lớn nhất trong liên kết của 3 địa phương là khả năng xúc tiến quảng bá điểm đến. Nếu riêng lẻ mỗi địa phương, nguồn lực sẽ không đủ để quảng bá đến nhiều thị trường. Khi cả 3 địa phương dồn lực, khả năng quảng bá sâu rộng hơn, đến được những thị trường lớn, mà trước đó phải tốn nhiều kinh phí như ở Tây Âu. Chính sự liên kết đã giúp các địa phương có sự liên thông, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến 3 địa phương; liên kết giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực như: hướng dẫn viên, lực lượng điều hành trong doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh DL.

Theo ông Trương Thành Minh, những năm đầu liên kết luôn gặp những khó khăn bởi các sản phẩm của 3 địa phương trùng nhau. Mỗi địa phương phát triển sản phẩm mà không có sự phối hợp để bổ sung cho nhau nên dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác. Gần đây, 3 địa phương đã nhìn nhận và hình thành được các sản phẩm chung như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường cao nguyên xanh”, “Tuyến hành lang Đông- Tây”... đã giúp liên kết đạt hiệu quả hơn, du khách kết hợp đến cả 3 địa phương chứ không còn đến riêng lẻ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, nhất là khi tổ chức xúc tiến quảng bá chưa thể đồng nhất về thị trường, như Đà Nẵng chủ yếu thu hút khách Trung Quốc và Hàn Quốc bởi du lịch đô thị; trong khi đó, Huế và Quảng Nam lại lựa chọn thị trường Tây Âu. Điều này chủ yếu do khách quan bởi mỗi địa phương có thế mạnh riêng...

60% lượng khách của cả nước

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, DL miền Trung - Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả, cụ thể năm 2018 tổng lượng khách đến cả khu vực đạt khoảng 56 triệu lượt, chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước; trong đó, khách quốc tế chiếm 54,4%. Ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động. Theo các chuyên gia kinh tế, DL miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thể hiện qua việc khai thác thô tài nguyên DL; sản phẩm DL khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương; thiếu dịch vụ đi kèm, hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật DL, giao thông, phương tiện vận chuyển khách, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu... Hiệu quả của hoạt động phát triển DL, nhất là về thu nhập và tạo việc làm cho xã hội còn hạn chế, cụ thể tổng thu nhập từ DL toàn khu vực đạt 116.000 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ chiếm 18,75% so với cả nước (620.000 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo tỉnh TT-Huế, tại hội nghị phát triển DL khu vực miền Trung-Tây Nguyên được tổ chức tại Huế lần này, các địa phương đặt mục tiêu thông qua chiến lược phát triển DL vùng nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trên cơ sở phát huy tối ưu các giá trị tài nguyên, giá trị di sản, văn hóa dân tộc; khuyến khích phát triển DL xanh, DL sáng tạo, DL có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển đồng thời DL biển đảo, đồi núi, DL di sản văn hóa, du lịch sinh thái, trong đó lấy DL biển đảo (vùng Duyên hải miền Trung), đồi núi (Tây Nguyên) làm mũi nhọn và DL di sản văn hóa làm trọng tâm. Đồng thời, phát triển DL chuyển từ “điểm” (từng địa phương) sang “vùng” và “khu vực”, từ “số lượng” sang “chất lượng”, phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Thiên Định cho biết, với dự kiến quy hoạch vùng phát triển kinh tế mới của Chính phủ trong thời gian đến, tại hội nghị là dịp để các địa phương có thể tham mưu để Chính phủ có những chính sách đẩy mạnh liên kết ngang, tránh tình trạng các sản phẩm duyên hải miền Trung trùng nhau. Đây có thể là sự mở đầu mới trong liên kết phát triển DL của khu vực sau này.

NGỌC LAN

TT-Huế ký kết chiến lược với nhiều doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ (trái) cùng ký kết với đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC.

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển DL khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chiều 15-2, UBND tỉnh TT - Huế ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel; Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest. Cụ thể, Vietravel sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng 2 bờ sông Hương trong năm 2019; tiếp tục nghiên cứu, tổ chức chuyến bay hình thức thuê bao Huế - Bangkok, Singapore, Malaysia và Đài Loan và một số đường bay phù hợp khác; phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cùng tỉnh TT-Huế xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Ẩm thực; đồng thời, tiến hành dự án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực tại Huế; nghiên cứu đầu tư dự án khách sạn cao cấp, dịch vụ du lịch tại TT-Huế… Tập đoàn FLC sẽ nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ven biển; phát triển đô thị theo hướng hình thành các khu đô thị thông minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ một số hoạt động phát triển KT- XH của tỉnh; thành lập Cty thành viên của Tập đoàn FLC tại tỉnh TT-Huế. Công ty CP Đầu tư Văn Phú- Invest sẽ nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh; tài trợ thực hiện các đồ án quy hoạch phù hợp quy định hiện hành; hỗ trợ một số hoạt động phát triển KT- XH của tỉnh.