Cần cải tạo và chỉnh trang cây xanh đô thị ở Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, không thể phủ nhận cây xanh đô thị ở Đà Nẵng đã được thành phố quan tâm đầu tư. Nhiều con đường mới khang trang xanh và đẹp hẳn lên nhờ những hàng cây được trồng bài bản, chăm sóc tốt, chủng loại đồng nhất, góp phần tăng diện tích cây xanh của thành phố một cách đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều tuyến đường, nhất là các con đường có mặt cắt từ 7,5m trở xuống, những con đường có "thâm niên" về độ tuổi cây, khá phổ biến tình trạng cây mọc lộn xộn theo kiểu "xôi đỗ", nếu căn cứ vào danh mục cây được phép trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên khu vực vỉa hè của thành phố thì tình trạng cây tạp là rất rõ nét.
Đó là chưa kể sự bất cập của những kiểu bồn cây xanh, nơi thì hình vuông, nơi thì tròn, nơi thì có trồng hoa, cỏ, nơi thì không; chỗ thì có "hàng rào" ngăn, chỗ lại không... Nếu đồng bộ, cùng loại lá hoa như nhau trong các bồn cây ở mọi tuyến đường thì có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế, với diện tích "khiêm tốn" dành cho người đi bộ, cho việc để xe trước mỗi nhà hoặc các điểm dịch vụ như hiện nay thì các bồn cây, dù có trang trí đẹp vẫn cản trở đáng kể. Ngoài ra còn có tình trạng rễ cây ăn lên, làm phá hỏng hè phố.
Về giải pháp, trước hết là chuyện cải tạo cây tạp. Thành phố đã ban hành danh mục cụ thể loại cây không được phép trồng trên vỉa hè, nên đây là một thuận lợi để tiến hành thay thế bằng giống cây được phép trồng. Loại cây không nằm trong danh mục cho phép dễ nhận thấy nhất là cây Trứng cá, loại cây rất dễ bắt gặp ở mọi nơi, được người dân trồng tự phát, nó cứ "liên tục phát triển" mà không bị xử lý hay khuyến cáo hướng dẫn xử lý, dẫn đến có cây mới trồng và có cây đã trở thành "cổ thụ"; có cây dân trồng tự phát chưa lâu nhưng việc đốn hạ, đào bỏ để thay thế cây mới hầu như chưa được thực hiện. Để từng bước loại bỏ những cây không nằm trong danh mục cho phép, nên chăng bắt đầu cải tạo bằng cách đào bỏ cây trứng cá trên các tuyến đường.
Cây xanh ở đường phố thuộc P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Nga |
Công việc tiếp theo là trồng mới bằng giống cây trong danh mục cây được khuyến khích trồng ở đô thị. Việc này cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và người dân, trong đó Nhà nước chịu trách nhiệm về nguồn cây giống, quy cách, hướng dẫn cách trồng và cách chăm sóc, người dân có thể bỏ tiền ra mua cây, chăm sóc và bảo vệ. Cứ như vậy, hết cây Trứng cá sẽ đến những cây khác lần lượt được thay thế để cuối cùng có những con đường đồng nhất về chủng loại cây được phép trồng. Ban đầu có thể chấp nhận thiếu bóng mát nhưng về lâu dài, người dân sẽ yên tâm với cây xanh trước ngôi nhà phố của mình.
Việc thứ hai là chỉnh trang lại các bồn cây xanh ở vỉa hè. Hiện nay, phương pháp phổ biến vẫn là xây bồn bằng xi-măng, bê-tông, trồng cỏ. Cách làm này như đã nói ở trên, vừa thiếu đồng bộ về hình dáng, độ cao thấp vừa chiếm diện tích của vỉa hè, trong khi diện tích vỉa hè cho người đi bộ còn rất hạn chế. Nếu làm bồn nổi chỉ nên ở những khu vực khác ngoài vỉa hè như trong công viên. Còn ở hè phố, nhất là những hè phố hẹp, nhiều điểm kinh doanh buôn bán thì nên tận dụng diện tích cho người đi bộ bằng phương pháp không quây bồn, thay vào đó là đặt những tấm bảo vệ bồn cây.
Nên học cách làm của Hàn Quốc về phương pháp này, vì nó có thể khắc phục được những hạn chế mà những phương pháp trước đây mắc phải; đồng thời giúp cây phát triển tốt và an toàn hơn. Sản phẩm tấm bảo vệ này được làm từ nhựa tái chế, đảm bảo tính mài mòn, độ bền cơ lý và tuổi thọ cao, thân thiện môi trường, được sử dụng bó vỉa chìm cho những bồn cây xanh và bồn hoa trên các lề đường, giúp thoát nước nhanh và có thể dự trữ nước mưa để cung cấp cho cây đủ lượng nước cần thiết. Bên cạnh đó, việc bố trí các ống nước ngầm có tác dụng định hướng bộ rễ cây đi sâu xuống lòng đất, giảm phần lớn các rễ lồi lên trên mặt đất như hiện nay.
Cải tạo, chỉnh trang cây xanh đô thị là một câu chuyện dài rất cần được quan tâm đối với một đô thị đang hướng đến văn minh-hiện đại như Đà Nẵng. Không gian xanh của đô thị được tăng lên không phải chỉ là chuyện nhiều loại cây được trồng mới mà còn là sự đồng bộ từ gốc đến ngọn cây, từ chủng loại đến cách bảo quản, chăm sóc cây để phù hợp với thực tế phát triển hạ tầng đô thị hiện nay.
Dân Hùng