Báo Công An Đà Nẵng

Cận cảnh thị trường rau quả sau mưa lũ

Thứ sáu, 10/11/2017 13:50

Mang đôi ủng cao đến đầu gối, lội hì hục trong mớ sình lầy, cố thu gom từng quả bí đao hư hại sau lũ tại làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam), bà Phan Thị Xô rưng rưng nước mắt: “Mất trắng rồi, chẳng còn gì cả”.

Bà Phan Thị Xô chua chát khi toàn bộ số nông sản đến kỳ thu hoạch đã bị lũ cuốn trôi.

Nhiều vùng trồng rau mất trắng

Vụ này, gia đình bà Xô trồng các loại nông sản có giá như: bí đao, đậu ve, đu đủ, khổ qua... trên diện tích 5 sào ruộng. Cách đây vài ngày bà dự định sẽ thu hoạch dần để lấy tiền trả nợ nhưng chưa kịp gì thì lũ đã cuốn trôi. Không riêng gì bà Xô, cả cánh đồng rau Bàu Tròn, nơi được xem là làng rau sạch lớn nhất Quảng Nam với hơn 300 hộ tham gia sản xuất vùng chuyên canh giờ đã tan hoang. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT H. Đại Lộc, toàn bộ số hoa màu trên 300ha trên địa bàn huyện đã bị hư hại hoàn toàn. Không riêng Bàu Tròn, nhiều nơi trồng rau khác trong huyện cũng chịu thiệt hại trong đó nặng nhất là xã Đại Minh: 37ha, Đại An: 28ha.

“Toàn bộ hoa màu bị lũ nhấn chìm trong thời gian lâu nên tất cả đều mất trắng. Hiện mực nước vẫn đang xấp xỉ báo động hai nên nhiều nơi vẫn còn nước. Tình trạng thiếu nguồn cung ứng rau đang là thực trang chung diễn ra trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT H. Đại Lộc cho biết.

Tương tự, tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An), hơn 200 hộ dân tham gia sản xuất chuyên canh giờ cũng chỉ biết đứng nhìn tài sản của mình bị cuốn trôi, trống hoác. Với lợi thế đất canh tác màu mỡ, nơi đây được biết đến là nơi cung ứng rau sạch các loại cho TP Hội An và những địa bàn lân cận nhưng giờ cũng đã “đứt mạch”. Tại Đà Nẵng, H. Hòa Vang cũng được biết đến là vựa rau lớn nhất TP nhưng cũng phải chịu chung số phận.

Bà Ngô Thị Hạnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT H. Hòa Vang cho hay: Toàn huyện có hơn 100ha hoa màu bị ngập úng, trong đó nặng nhất là ở các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Nhơn và Hòa Phước. “Hiện tại nước đã rút nhưng chỉ còn lại cách đồng không. Chỉ có một số ít tại Túy Loan, Hòa Phú người dân trồng trong nhà kính không bị hư hại nhưng số lượng không đáng kể. Tình cảnh không có rau sạch cung ứng ra thị trường đang là “mẫu số chung” của nhiều nơi sau lũ chứ không riêng Đà Nẵng”, bà Hạnh trao đổi.

 Nhiều cánh đồng rau sạch tan hoang sau lũ. 

Giá nông sản tăng mạnh

Giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường Quảng Nam hiện đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường, nhưng chỉ lèo tèo vài mặt hàng được bày bán. Nhiều quầy hàng chỉ còn sót lại các loại củ, quả trước mưa lũ như: khoai tây, cà rốt, hành, củ cải. Chị Huỳnh Thị Hoàng, tiểu thương chợ Hội An giải thích vì không có nguồn nông sản địa phương nên buộc các tiểu thương phải nhập từ nơi khác về như Đà Lạt, Gia Lai.

Vì đường vận chuyển xa, tốn nhiều chi phí nên giá các mặt hàng tăng cao. Cụ thể, 1kg su hào bình thường 10 nghìn đồng/kg nhưng hiện tại lên đến 22 nghìn đồng/kg, 1 bó rau muống 10 nghìn đồng cao gấp đôi ngày thường. Nhiều loại rau khác như tần ô, rau dền giá cũng tăng lên gấp đôi, thậm chí mỗi bó rau lên đến 15 nghìn đồng, cao nhất là rau húng cũng tăng từ 20 lên đến 60 nghìn đồng/kg.

Tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng, các tiểu thương cũng than phiền vì không có nguồn rau cung ứng trong khi sức mua của thị trường là rất lớn. “Trước đây nhập rau từ trên Hòa Vang xuống, đường đi gần, thuận lợi nên rau rất tươi. Bây giờ sau lũ, phải vận chuyển hàng từ các nơi khác về nên rất khó khăn. Thậm chí nhiều vùng lân cận cũng rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn cung nên việc nhập hàng rất khó khăn”, chị Trần Thị Hương, tiểu thương chợ Hàn trình bày.

Giá các loại nông sản trên thị trường đã tăng mạnh.

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, cho hay hiện các đơn vị chức năng vẫn đang quyết liệt vào cuộc cùng người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. “Ngay sau lũ qua chúng tôi đã chỉ đạo các Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát về giá cả cũng như chất lượng các mặt hàng nông sản được bày bán trên thị trường. Tất cả các đơn vị sẽ cùng nhau khắc phục, tuyệt đối không để các loại nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng tuồn ra thị trường”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cũng cho hay giá các loại nông sản tăng chính là do toàn bộ hoa màu của người dân địa phương đã bị thiệt hại nặng trong khi một số tuyến đường bị hư hại, sạt lở khiến xe chở hàng ùn ứ, chưa kịp cung cấp hàng. Trước mắt Sở NN&PTNT TP kêu gọi người dân chủ động khắc phục hậu quả, làm sạch ruộng đồng để có thể tái sản xuất, sớm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung ứng rau sạch cho thị trường.

 PHI NÔNG