Báo Công An Đà Nẵng

Cần chống dịch tả lợn Châu Phi như chống giặc

Thứ ba, 05/03/2019 07:59

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 4-3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (BDTLCP) xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức...

Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, một trong những nguyên nhân lây lan là hoạt động thương mại, giết mổ lợn trong nước tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh. “Ở nước ta hiện nay phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh”, ông Tiến cho biết thêm.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, nguy cơ BDTLCP lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn. Vì thế, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương...

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, BDTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. “DBTLCP không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”, ông Phu khẳng định.

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam khác với các nước. Chúng ta có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và hơn 10.000 trang trại; thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế BDTLCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng, chống BDTLCP tại địa phương mình quản lý.

“Việc chống dịch không phải đơn thuần là việc của Chi cục thú y, Bộ NN&PTNT mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời” – Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ. “Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả BDTLCP, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam. Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta”, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn. Đồng thời, các cấp ngành cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

LÊ HÙNG