Báo Công An Đà Nẵng

Cần có 2 lớp kè bảo vệ bờ biển Cửa Đại

Thứ sáu, 26/04/2019 11:18

Sáng 25-4, đoàn công tác Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại. Ông Đinh Văn Thu-Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước đây bãi biển Hội An kéo dài ra phía ngoài 200m, nhưng từ năm 2014 đã bị sạt lở khá nghiêm trọng. Trước tình hình này, Quảng Nam đã thực hiện các giải pháp cục bộ để ứng phó như kè chắn bằng bê- tông và kè túi vải địa nhưng tất cả cũng chỉ tạm thời, nên cần phải tính toán các phương án tổng thể lâu dài hơn. Cũng theo ông Thu, ngoài kè bằng bê-tông và túi vải địa, tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng các đê ngầm và mỏ hàn chắn sóng bên ngoài khu vực. Sắp tới sẽ tiếp tục làm hệ thống tương tự và kéo dài ra toàn bộ bờ biển nhằm tạo bãi. Ông Đinh Văn Thu cho biết, để thực hiện dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét, trình Thủ tướng ưu tiên hỗ trợ 700 tỷ đồng.

Đoàn công tác Quốc hội khảo sát bờ biển sạt lở tại Quảng Nam.

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định việc sạt lở bờ biển hiện nay không chỉ là vấn đề cục bộ của riêng Hội An mà là của chung cả nước, trong đó có hàng loạt các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. "Về kè biển thì Cà Mau và Kiên Giang là hai tỉnh đã có rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong đó nổi bật là làm 2 lớp kè. Lớp thứ nhất tùy theo khả năng, tính toán sẽ cách bờ khoảng 350 -500m và làm đê rỗng để sóng đánh xuyên qua. Mục đích của lớp đê này là nhằm giảm áp lực sóng đánh vào bờ. Sau đó vào trong là thêm một lớp kè mềm chứ 1 lớp thì không bao giờ chịu được lâu dài", ông Hiển khẳng định. Ông Hiển cũng lưu ý vì Hội An là thành phố du lịch, lượng khách du lịch đến đây rất lớn nên mục tiêu bảo vệ bãi biển còn phải lưu ý đến vấn đề bãi tắm cho du khách. Từ cách làm của Cà Mau, Kiên Giang, ông Hiển đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các nhà khoa học, nghiên cứu cần chọn cách làm phù hợp nhất để tạo bề mặt nước khôi phục lại phần nào bãi tắm đã từng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ông Đinh Văn Thu cũng thông tin thêm về vấn đề thời gian gần đây, ngoài khơi Hội An xuất hiện một đảo cát nhỏ nổi lên tại vị trí cách bờ khoảng 1,4km, rộng khoảng 2ha và đang dần mở rộng diện tích. Ông Thu cho rằng các hiện tượng xói lở trong bờ và bồi lấp ngoài khơi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên địa phương cũng đang rất phân vân về cách "ứng xử" với đảo cát này. Trước hiện tượng lạ này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là sự thay đổi có quy luật gắn với hiện tượng tự nhiên của thời tiết và không phải con người muốn chống lại là được. "Nếu chưa rõ số cát bồi lấp nên đảo cát này từ đâu đến thì phải tìm hiểu, biết đâu sau này Hội An lại có một cù lao tự nhiên mới thì sao? Đó cũng là một điều tốt cho địa phương. Trong công tác chống sạt lở cũng phải lưu ý mọi cách làm đều nương theo tự nhiên để đạt hiệu quả cao nhất".

 Công nhân đang kè bờ biển bằng túi vải địa.

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thế Hùng-Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, việc tuyến kè cứng tiếp nối từ khách sạn Sunrise dài khoảng 700m có hiện tượng cát bồi với khối lượng lớn. "Đây là hiện tượng vô cùng lạ khi những năm qua sạt lở liên tiếp kéo dài chưa có giải pháp hữu hiệu. Lượng cát bồi này đến từ đâu là vấn đề mà sắp tới TP Hội An và các nhà khoa học sẽ tiếp tục xem xét", ông Hùng nói.

Hà Dung