Báo Công An Đà Nẵng

Cần có cơ chế, chính sách vượt trội cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thứ hai, 25/07/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung tại Hội nghị Triển khai kế hoạch liên kết phát triển vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2021 vừa diễn ra ở Đà Nẵng.

Vùng KTTĐ miền Trung có 5 tỉnh, thành phố: TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Vùng sở hữu 4 Khu kinh tế (KKT): Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội. Vùng đã hình thành 7 chuỗi đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn.

Giai đoạn 2011-2015, theo đánh giá của Hội đồng trên 8 tiêu chí, Vùng KTTĐ miền Trung đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 9,4%, cao hơn mức tăng cả nước 5,9%; năng lực cạnh tranh khá so với cả nước; tổng vốn đầu tư khoảng 470 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả nước 8,8%; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp và phát triển.

Hội nghị đầu tiên của Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung tại Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng KTTĐ miền Trung, lâu nay, hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng trên tinh thần tự nguyện thông qua việc thành lập Tổ tư vấn nghiên cứu, phát triển Vùng. Định kỳ năm một vài lần sinh hoạt, thảo luận thông qua một nghị quyết tập thể phát triển các lĩnh vực kinh tế, du lịch... Điều đó đã đạt được những kết quả nhất định. “Trước đây, khi ông Hoàng Trung Hải còn làm Phó Thủ tướng thì làm Trưởng Ban chỉ đạo. Tuy nhiên, từ khi ông Hoàng Trung Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thì Trung ương chưa phân công nhân sự Vùng KTTĐ miền Trung nên vùng phải “tự xử” để thống nhất phát triển không gian kinh tế xã hội cho cả vùng”, ông Thơ nói. Điều này, theo ông Thơ, cũng đã khiến các hoạt động của Vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua chưa được quan tâm tương xứng. Hội nghị lần này nhằm thảo luận nội dung, kế hoạch hợp tác, phát triển đối với công việc cụ thể trên tinh thần ý chí tập thể chung về cách thức, cơ chế hợp tác như thế nào cho có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế, trong chương trình hành động của Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020, đến lúc nào đó sẽ có nội dung trùng, nên cần phải đưa ra khỏi những nội dung có thể trùng đó để mỗi địa phương có những lợi thế riêng trong quyền lợi chung để phát triển. Trong khi đó, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nên xem xét lồng ghép các chương trình hành động thành 4 nội dung chính; phải đánh giá lại thực trạng 2011-2015, kế hoạch 2016-2020... bố cục dễ theo dõi và triển khai thực hiện. Ông Toàn cũng kiến nghị nên có cơ chế đặc thù cho Vùng KTTĐ miền Trung.

“Các địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung có điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng nên kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có định hướng rõ ràng, cơ chế chính sách phù hợp; cho xây tuyến cao tốc liên Vùng KTTĐ miền Trung để phát huy tác dụng, từng khúc một vẫn rời rạc. Đường ven biển, trong dự án mỗi tỉnh một đoạn, Bình Định làm sớm nhất nhưng kết nối ra Quảng Ngãi chưa xong... Đề nghị toàn bộ Khu vực miền Trung kiến nghị luôn, phân kỳ ưu tiên cho các tỉnh Vùng KTTĐ miền Trung đầu tư trước để có mạng lưới giao thông liên kết hoàn thiện”, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Trần Du Lịch, Trưởng nhóm nghiên cứu tư vấn phát triển Vùng KTTĐ miền Trung cho rằng, trong 8 nội dung liên kết mà báo cáo đưa ra: Kinh tế, huy động vốn, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, liên kết không gian, liên kết phát triển điều kiện sống và nhà ở, phát triển giao thông và đồng bộ cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung nên kiến nghị Chính phủ cơ chế chính sách vượt trội so với các vùng khác.

Theo ông Trần Du Lịch, nhiệm vụ đầu tiên phải xem lại điều chỉnh quy hoạch trên tầm nhìn đến năm 2035 có hình hài như thế nào, phát triển lĩnh vực gì. Đồng thời, thảo luận xây dựng cơ chế cho Vùng KTTĐ miền Trung, chính quyền có tự chủ hay vẫn xin-cho. Ông Trần Du Lịch kiến nghị thay vì cơ chế trình Chính phủ, các Bộ, ngành thì nên giao lại cho Hội đồng điều phối vùng, các địa phương ngồi lại với nhau, nhìn ra lợi ích thì sẽ đồng tâm triển khai.

TS Trần Du Lịch: “Thế mạnh của vùng KTTĐ miền Trung là vẫn mạnh ai nấy làm”.

“Liên kết vùng còn quá trống trải, lỏng lẻo dẫn đến sự bất hợp lý về không gian kinh tế, xã hội. Ban điều phối chưa làm được gì hết. Thế mạnh của Vùng KTTĐ là vẫn mạnh ai nấy làm. Không những thế, cơ chế hợp tác gần 10 năm nay “bạc” hết trơn rồi. Không có gì mới nữa. Những nội dung hợp tác đã khởi động thì tiếp tục làm. Những đề án, dự án, chương trình mới sẽ đề nghị Nhóm tư vấn để hỗ trợ Vùng KTTĐ miền Trung vừa giảm được chi phí, tính chuyên nghiệp cao hơn”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ghi nhận những ý kiến từ các địa phương, các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, đây là cuộc họp đầu tiên từ khi có quyết định thành lập Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung. Vì vậy, về cách thức và cơ chế chung nhất, sẽ giao cho Nhóm tư vấn phát triển giúp Hội đồng vùng trong công tác tư vấn; công việc trong các kỳ họp: đề xuất, xây dựng các chương trình làm việc, đề án, dự án để trình lên trên. Về mặt danh chính ngôn thuận, có ban chỉ đạo Trung ương, có Hội đồng điều phối, bên dưới là các Sở thường trực nhưng nhược điểm là nếu luân phiên các địa phương thì cứ chạy lòng vòng sẽ rất khó đạt được hiệu quả. Đề nghị Nhóm tư vấn xây dựng đề án về quy chế, cơ chế, chính sách hoạt động chung.

“Rõ ràng chúng ta có nhu cầu, có đề xuất, kiến nghị, cơ chế. Vì vậy sẽ có một cuộc làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc Chính phủ để cho ra cơ chế hoạt động cho Vùng. Tiếp theo, tập thể 5 tỉnh sẽ làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về các chương trình hành động để nhận được sự hỗ trợ, phối hợp làm sao cho Vùng KTTĐ miền Trung thực sự liên kết, đoàn kết và phát triển mạnh mẽ”, ông Thơ kết luận.

Hà Minh