Báo Công An Đà Nẵng

Cần có phương án bảo vệ an toàn đập thủy lợi Trà Cân

Thứ sáu, 20/03/2020 19:00

Toàn cảnh khu vực 4 ha được UBND H. Đại Lộc cho ông Bích thuê với thời hạn 50 năm.

Nhiều ngày qua, người dân tại xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ tâm trạng bất an vì một doanh nghiệp trên địa bàn vừa được UBND H. Đại Lộc cho phép thực hiện việc phát dọn hơn 4 ha cây bụi, đá tảng, gốc cây tại khu vực cách thân đập thủy lợi Trà Cân khoảng 100m về phía hạ du để trồng rừng và cây ăn trái. Theo nhiều người, việc làm này sẽ gây nguy cơ sạt lở đất khi mùa mưa đến và ảnh hưởng đến sự an toàn của đập nước...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đập Đập Trà Cân (thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp)  được khởi công xây dựng từ năm 1983, hoàn thành năm 1985 theo dạng hồ treo có dung tích phòng lũ 440.000m3 nước, có mực nước chết là 102,7m. Công trình đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 100ha đất đồng thời phục vụ đời sống dân sinh của xã Đại Hiệp. Trong nhiều năm qua, khu vực sát với thân đập bị bỏ hoang, cây bụi mọc um tùm. Ông Lê Văn Bích (1977), trú TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc có ý tưởng "biến" hơn 4 ha đất bỏ hoang này thành vườn rừng theo mật độ 70% cây gỗ lớn và 30% cây ăn trái lâu năm nên lập hồ sơ xin thuê đất với thời hạn 50 năm. Qua thẩm định, ngày 9-12-2019 Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam ban hành Công văn số 53 có nội dung: việc áp dụng mô hình vườn rừng tại khu vực này là khả thi nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tạo sinh cảnh đẹp để phát triển kinh tế nên đề nghị lãnh đạo H. Đại Lộc cấp giấy phép cho ông Bích đưa người và phương tiện vào rừng. Căn cứ vào đề nghị này, ngày 12-12-2019 ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc ký giấy chứng nhận số 02 cho phép đưa người, phương tiện vào rừng... Tuy nhiên, trong quá trình san phát quang, đào gốc cây, đá tảng của ông Lê Văn Bích bị người dân phản ánh vì gây nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn xảy ra, ảnh hưởng đến độ an toàn của đập nên ngày 12-3-2020 UBND xã Đại Hiệp đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ việc thi công để bổ sung các thủ tục khác liên quan đến dự án theo hướng bảo vệ sự an toàn của đập.

Ngày 18-3-2020, ghi nhận tại hiện trường chúng tôi nhận thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn có căn cứ. Vì, toàn bộ cây rừng đã biến mất, trơ trọi toàn đá và đất. Với vị trí đất có độ dốc lớn nên lưu lượng dòng chảy sẽ rất mạnh khi có mưa nên tình trạng xói lở xảy ra là điều hiện hữu và gây mất an toàn cho đập thủy lợi Trà Cân. Để khắc phục tình trạng trên, cần có những giải pháp, như: xây dựng hệ thống kè đá, mương thoát nước, nhanh chóng thực hiện việc trồng rừng để tăng độ che phủ và chống xói lở. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đỗ Quang Cảng- Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết: về chủ trường trồng cây lâm nghiệp xen lẫn cây ăn quả trên diện tích hơn 4 ha đất rừng ở khu vực liền kề với thân đập thủy lợi Trà Cân để tạo cảnh quan đẹp, phát triển kinh tế... là việc làm đúng đắn nên địa phương hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện phải đảm bảo các quy định về kỹ thuật nhằm đảm bảo tính an toàn hồ đập, hạn chế sự cố xấu có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ du đập thủy lợi Trà Cân. Vì ông Lê Văn Bích chưa thực hiện đủ hồ sơ kỹ thuật để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên UBND xã lập biên bản tạm dừng thi công.  

Như vậy, ông Lê Văn Bích cần xây dựng hồ sơ kỹ thuật một cách chi tiết để cơ quan có chức năng thẩm định, phê duyệt, sau đó mới tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính an toàn đối với đập thủy lợi Trà Cân...

M.T