Báo Công An Đà Nẵng

Cần có quy chế phối hợp giữa báo chí và cơ quan phòng chống tham nhũng

Thứ năm, 24/07/2014 07:19

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-7, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định báo chí có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN. Hội nghị lần này hướng đến mục tiêu nâng cao hiểu biết, hiểu rõ những quy định về Luật PCTN đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về PCTN.

Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên tập trung nghe các báo cáo viên phổ biến Luật PCTN và công ước của Liên Hợp Quốc về PCTN; vai trò của báo chí trong công tác PCTN...

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT nói về vai trò của báo chí tại Hội nghị.

Theo Bộ TT&TT, hiện nay, cả nước có 906 cơ quan báo chí, 17.000 nhà báo có Thẻ hành nghề; trong đó, có hàng ngàn nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra về PCTN. Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về PCTN; thông tin kịp thời về các vụ tham nhũng được thanh tra, điều tra và xét xử; thông tin về thành tích đấu tranh PCTN của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương, cá nhân; báo chí cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Để đảm bảo cho báo chí hoạt động trong một hành lang pháp lý thông thoáng, phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT đề xuất các biện pháp nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong đấu tranh PCTN, như: Chú trọng đến tính công khai, minh bạch của hệ thống các cơ quan Nhà nước; cần có quy chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và Ban chỉ đạo PCTN để công tác phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm và đạt hiệu quả cao hơn.

Cũng theo Bộ TT&TT, về phía Nhà nước, các cơ quan hành chính cần thực hiện tốt trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình, cơ quan mình theo đúng các quy định tại Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tránh việc đùn đẩy để người không có trách nhiệm trả lời dẫn đến việc cung cấp cho báo chí những thông tin không chính xác, thiếu thẩm quyền và cần có quy định cụ thể việc cơ quan điều tra cung cấp thông tin cho báo chí, tránh để tình trạng cung cấp thông tin không chính thống hoặc người không có thẩm quyền cung cấp thông tin.

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm phối hợp thông tin - tuyên truyền biển, đảo với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan quản lý báo chí. Hội nghị xác định, thời gian tới tình hình biển Đông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vẫn còn khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Do vậy, việc phối hợp thực hiện công tác thông tin - tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cần phải đẩy mạnh, đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời, hiệu quả; xây dựng quy chế, chương trình phối hợp giữa các bộ, ban, ngành về công tác thông tin - tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cần có đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách về biển, đảo; chủ động ngăn chặn các thông tin xấu độc, đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động... kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận trong nước và quốc tế, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Hồng Thanh – TTXVN