Căn cứ B1 Hồng Phước: Biểu tượng của ngọn đèn đứng gác!
Bài 1: Chứng nhân một thời
(Cadn.com.vn) - Trong những năm tháng chiến tranh, ngay sát gọng kiềm kiểm soát của địch, nhân dân Hồng Phước (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn kiên gan nuôi giấu cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong những căn hầm bí mật. Giữa vùng căn cứ lõm này, với mật danh B1, Hồng Phước trở thành nơi hoạt động của CBCS quận Nhì, là nơi trú quân, tập kết của các đơn vị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 489, 487, 471 Đặc công...Từ đây, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh...
Người đầu tiên tôi tìm gặp là ông Phan Văn Tải (78 tuổi), trú Thanh Vinh (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu), nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì từ năm 1967, phụ trách công tác phong trào phía trước, người gắn bó với Hồng Phước từ năm 1962 cho đến ngày đất nước giải phóng...
Ông Phan Văn Tải nhớ lại một thời gắn bó với căn cứ B1 Hồng Phước. |
Từ ký ức của ông, tôi hình dung rõ hơn về cái nôi cách mạng (CM) nằm phía tây bắc Đà Nẵng này. “Từ 1957-1959, khi làm cơ sở cho các anh Đào Ngọc Chua, Nguyễn Thế..., tui đã biết Hồng Phước là vùng CM nòi. Bà con ở đây kiên gan lắm. Sau khi được tổ chức điều động vào Sài Gòn hoạt động biệt động thành từ năm 1959 đến 1962 cơ sở bị lộ, tui về lại Đà Nẵng chọn Hồng Phước để móc nối cơ sở hoạt động và được tham gia vào Đội công tác Đà Nẵng. Tui xây dựng lại mạng lưới cơ sở, vận động bà con cho làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Hồi đó, đất ở đây đào xuống toàn gặp nước nên chỉ làm hầm nổi. Lấy cớ là vùng giao tranh, để tránh lạc đạn giữa quân ta và quân địch, người dân làm hầm nổi tránh đại bác. Địch không bắt chẹt được. Ngay trong hầm nổi, tui cùng anh em làm thêm một tầng nữa ở phía trên (kiểu hầm 2 tầng). Vào những năm 1960-1964, ta ở trong tầng hầm nổi này, nhưng ít thôi.
Phần lớn là vô núi Thanh Vinh ẩn nấp. Đến khi bà Lê Thị Tính, Tỉnh ủy viên, Bí thư quận Nhì về kiểm tra tình hình tại đây, bày cách đào hầm như trong Điện Bàn thì hầm được làm chìm xuống đất đẹp hơn, ở được nhiều người hơn. Hồi đó, Hồng Phước có trên 50 hộ dân, ban đầu chỉ có khoảng 10 hộ hoạt động CM, đến 1966- 1968 thì có 30 hộ, từ 1970- 1975 có 52 hộ hoạt động CM. Số khác thì dời xuống chợ Hòa Khánh hoặc vùng dưới sinh sống... Hồi Pháp thuộc rồi thời Mỹ chiếm đóng, ở đây như cái lõm. Xung quanh là đồn bốt của địch: Nào kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc của Mỹ, Đồn pháo binh 44, xung quanh dây kẽm gai chằng chịt, có đồn bốt gác chặn nên dễ gì qua mắt chúng. Rứa mà bà con Hồng Phước vẫn giấu được tài liệu, truyền đơn, cả vũ khí nữa để đưa xuống quận Nhì mới tài. Không những thế, họ còn mua lương thực để tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Kể công của họ, kể không hết đâu...”.
Tôi cắt ngang lời ông: “Tại sao từ 1960 đến 1975, nơi đây được xem là bàn đạp để ta tấn công vào nội thành mà địch không phát hiện, không bị lộ?”. “Nói không có lộ lần nào là không đúng đâu. Có lộ một cái hầm ở nhà thờ tộc Lê (nằm trong vườn nhà bà Hà Thị Mau). Nhưng căn hầm đó ta không hoạt động lâu rồi. Do chuột sục làm miệng hầm sụp xuống, địch đi càn, thọc xà beng xuống phát hiện ra hầm nhưng thấy nước phía dưới, lại thêm dân mình không khai báo chi hết nên cuối cùng cũng chẳng làm được chi. Sở dĩ không lộ vì dân Hồng Phước vốn có truyền thống CM. Những người không theo CM thì có tư tưởng cầu an, sợ bị liên lụy nên im lặng hoặc tìm cách dời nhà đi nơi khác để sinh sống. Hơn nữa, để đào hầm bí mật phải chọn cơ sở thật sự tin tưởng, có truyền thống CM. Chỉ có gia đình người đó với bên mình biết thôi. Ngay như ông Hồ Phúc Ngôn (AHLLVTND) hồi ấy cũng nằm vùng trên này để hoạt động còn không biết nhà em trai mình có hầm bí mật nữa là...
Có một lần, địch bố ráp vào khu Hồng Phước, xộc vào nhà bà Năm Miên (Phạm Thị Miên, em dâu AHLLVT Hồ Phúc Ngôn) để khui hầm bí mật. Chúng nghi trong căn hầm nổi tránh đại bác của bà Năm Miên có hầm chìm nên dùng xà beng thọc tìm đến 7 hiệp trong một buổi chiều. May bà Miên khôn ngoan, nằm giả chết trên nền nhà, không bỏ đi, chứ nếu không thì có khi đã lộ. Nằm ở tầng hầm trên cùng, tui và đồng đội nhìn thấy chúng đụng gần đến miệng hầm, ai nấy đều ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng chỉ huy, ông Lê Đức Cưu không cho đánh. Mãi sau ngày giải phóng, anh Ngôn mới biết trong nhà em trai mình có hầm bí mật luôn đó”. Tôi ngạc nhiên: “Thế chú Ngôn ở nhà nào ạ?”. “Ảnh được bố trí ở nhà khác. Đã nói là bí mật rồi mà!”. Tôi hỏi: “Chú còn nhớ Hồng Phước có bao nhiêu hầm bí mật không, giờ có ai còn sống không ạ?”. “Cả Hồng Phước có khoảng trên dưới 40 hầm bí mật. Nhà chị Năm Miên 7 cái, nhà bà Nguyễn Thị Liên 3 cái nè, nhà bà Phạm Thị Dĩ-mẹ Chủ tịch Dương Thành Thị giờ đó- 4 cái, nhà bà Đặng Thị Ngặt 2 cái, rồi thì bà Quê, bà Mau. Mấy bả chừ mất cả rồi, chỉ còn mỗi bà Mau thôi. Nhà bả ở ngã ba chợ Hòa Khánh”...
Bà Hà Thị Mau về thăm lại khu nhà cũ ở Hồng Phước giờ đã giải tỏa... Ảnh: P.T |
Theo hướng dẫn ông Sáu Tải, tôi tìm nhà bà Mau không mấy khó. Đã 80 tuổi, nhưng khi nghe tôi có ý nhờ bà đưa đến căn cứ B1 Hồng Phước, bà vui vẻ nhận lời. Ngồi sau xe, bà luôn miệng bảo: “Tội nghiệp con, đi làm chi cho cực. Mấy lần cũng có người về hỏi bà nhưng rồi có thấy chi đâu. Bây giờ, khu ấy bị giải tỏa, làm KCN rồi, chứng tích đâu còn mà chụp hình!”. Nhớ lại thời kỳ đáng nhớ đã qua, giọng bà Mau ngậm ngùi: “Bà quê Hòa Liên, làm dâu Hồng Phước từ năm 1954. Nhà vợ chồng bà được cơ sở chọn để xây hầm bí mật.
Ông Tải cùng lực lượng về đào. Nhiệm vụ của gia đình bà là khi anh em xuống hầm thì đậy miệng hầm rồi ngụy trang để địch không phát hiện. Ban ngày thì giả vờ đi chợ để xuống chợ Hòa Khánh, xuống quận nhì để đưa tin, nắm tình hình, mua lương thực rồi về báo lại cho các ảnh. Có lần, ông Sáu Tải chui lên khỏi hầm ngồi viết cái gì đó thì địch vào làng lùng sục. Ổng chui xuống hầm không kịp nên chạy xuống bếp chui vào đống củi núp. May mà địch không phát hiện bỏ đi, ổng dỡ củi chui ra, nói đùa: “Địch bữa ni bao vây sáu mặt, sặc máu chị hè!”, còn bà thì hết hồn vía! Nhiệm vụ của bà chỉ có vậy thôi!”. Nghe bà kể thì thấy đơn giản, nhưng phải hiểu được tình hình bố ráp, kiểm soát chặt chẽ của địch thời đó với người dân khi đi chợ, đi củi, mới biết được sự mưu trí, lanh lợi cũng như sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồng Phước thật lớn lao biết nhường nào...
Đứng giữa cơn mưa rỉ rả của những ngày cuối tháng 12 giá lạnh, nhìn theo cánh tay bà chỉ về phía trước khu đất trống là các doanh nghiệp, nhà máy mọc lên bao quanh và nói: “Nhà bà giờ là khu vực nhà máy đó tề. Còn đống đất đen đằng trước là khu nhà thờ Tộc Lê. Giải tỏa, người ta san lấp hết rồi, chứ trước kia, khu vực nớ cũng có một cái hầm bí mật...”. Tôi lặng đi. Vẫn biết sự đổi thay là điều đáng mừng vậy sao khi chứng kiến một khu căn cứ CM giờ chẳng còn dấu tích, chợt thấy buồn lạ... Chính tại vùng đất này, lại một lần nữa, tôi được những con người chân chất, bình dị, suốt một đời chỉ biết bám làng, bám đất như bà Mau, ông Tải... bổ túc thêm kiến thức bài học về chiến tranh nhân dân, từ nhân dân mà ra...
Ghi chép: Phan Thủy
(còn nữa)