Căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước đón danh hiệu AHLLVTND (21-7-2018): Xứng danh anh hùng!
Sau bao tâm huyết, kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN 2 quận Liên Chiểu, Thanh Khê (Quận Nhì- Đà Nẵng trước đây), của các thế hệ nhân dân, CBCS từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung (P.Hòa Khánh Bắc) cùng sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của các ban ngành, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử trong việc nghiên cứu, thu thập cứ liệu để hoàn tất hồ sơ đề nghị, cuối cùng căn cứ lõm CM B1 Hồng Phước đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Hôm nay (21-7), trong ngày vui trọng đại đón nhận danh hiệu cao quý này, các thế hệ nhân dân Liên Chiểu, CBCS Quận Nhì từng hoạt động tại B1 Hồng Phước bồi hồi, lâng lâng với biết bao cảm xúc "vui sao nước mắt lại trào"!
Ông Phan Văn Tải (bìa trái), ông Lê Bá Lai (thứ 3 từ phải qua) cùng các cán bộ Q.Liên Chiểu tại Khu di tích lịch sử B1 Hồng Phước. Ảnh: P.T |
1. Hơn hai tuần trước ngày diễn ra sự kiện trọng đại này, ông Phan Văn Tải (83 tuổi)- nguyên Quận ủy viên, Quận Đội phó Quận nhì từ 1967, phụ trách phong trào phía trước, người gắn bó Hồng Phước từ năm 1962 cho đến ngày đất nước giải phóng, cùng ông Lê Bá Lai (69 tuổi)- nguyên Phó Ban An Ninh Quận Nhì (1970-1975) đứng cánh B1 Hồng Phước, nay là Trưởng Ban Liên lạc Quận nhì- chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Họ chở nhau rong ruổi vào Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) tìm đến nhà các CBCS từng hoạt động Ban An ninh Quận Nhì để giao tận tay thư mời về dự lễ B1 Hồng Phước Quận Nhì đón nhận danh hiệu AHLLVTND. Có hôm tối mịt, hai ông đội mưa chạy vào Điện Bàn để đưa thư mời. Niềm hạnh phúc như tiếp thêm sức để hai ông hoàn thành nhiệm vụ "giao liên". "Phải đi mời cho bằng được hết những người còn sống, vắng một người là khó chịu lắm! Hay tin căn cứ CM B1-Hồng Phước Quận Nhì được phong tặng AHLLVTND, họ mừng lắm!"- hai người xúc động bộc bạch.
Ông Phan Văn Tải, Lê Bá Lai cùng ông Dương Thành Thị và cán bộ Q.Liên Chiểu tại Khu di tích lịch sử B1 Hồng Phước. Ảnh: P.T |
2. Trong bài viết "Nghệ thuật chiến tranh nhân dân nhìn từ trường hợp khu căn cứ CM B1 Hồng Phước", nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử TP, nguyên Bí Thư Quận ủy Thanh Khê Bùi Văn Tiếng có viết: "...Người ta thường nói lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng viết sử thì phải viết nhiều lần mới mong tiếp cận và khám phá diện mạo lịch sử một cách chân thật nhất, là theo nghĩa đó". Đã nhiều lần gặp để tìm hiểu tư liệu viết về Căn cứ CM B1 Hồng Phước, thế nhưng khi nghe ông Tải, ông Lai kể lại những năm tháng gắn bó với mảnh đất anh hùng này, tôi vẫn có cảm giác như mới nghe lần đầu. "Bây viết chi thì viết, nhưng làm sao lột tả được sự hy sinh thầm lặng của nhân dân Hồng Phước, đặc biệt là các má, các chị nông dân chân chất hiền lành nhưng kiên trung, bất khuất vô cùng. Mỗi lần chấp nhận cho mình đào một căn hầm bí mật là họ đã xác định chuyện nhà tan, cửa nát nếu bị lộ. Ngày nào có CBCS về núp dưới hầm bí mật là ngày đó họ ra đồng ruộng làm việc với tâm trạng phập phồng. Chiều về, có con tôm, con cá mô ngon nhất đều để dành cho CBCS về hoạt động. Dân ở đó tốt lắm. Thế nên suốt thời gian kháng chiến, nơi đây không hề có tề, điệp. Mỗi lần nghe có tiếng súng nổ, bố ráp là họ ngủ không được, cứ ngóng CBCS đi công tác về để hỏi và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi biết không có ai bị gì hết. Tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của người dân nơi đây không bút nào tả nổi"- ông Sáu Tải, ông Lai xúc động nói. Hai ông cho biết thêm, Hồng Phước ngày xưa nổi lên là những nổng cát trắng đan xen ao hồ, đầm lầy, cây, gai rậm rạp. Sau mỗi đêm CBCS đi công tác trở về, khi lội qua những ao đầm lầy thường để lại dấu vết trên cát. Sáng ra, để xóa dấu vết, các má sai lũ trẻ chăn trâu dẫm đi, dẫm lại trên đó...
3. Trong số các bà mẹ tiêu biểu của phong trào đào hầm bí mật nuôi giấu CBCS ở B1 Hồng Phước, hiện chỉ còn bà Hà Thị Mau (83 tuổi) còn sống. Các má khác đều đã ra đi trước khi Khu di tích lịch sử B1 Hồng Phước được xây dựng. Thế nên, hay tin B1 Hồng Phước chuẩn bị đón danh hiệu AHLLVTND, đang nằm bệnh viện vì bệnh tim mạch, bà Mau bỗng khỏe ra. Từ bệnh viện về, gặp lại tôi, má cầm tay rưng rưng hỏi nhỏ: "Mai bà mặc chi để ra khu di tích làm lễ chuẩn bị đón Anh hùng, bây? Phải chi mấy chỉ (chị) (Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Phạm Thị Dĩ, Lê Thị Cảnh (Hoài)... còn sống để chứng kiến ngày B1 Hồng Phước được phong tặng Anh hùng thì vui, mỹ mãn biết mấy!". Tôi xúc động nhớ chuyện má kể cách đây 4 năm, khi lần đầu tiên đi tìm nhân chứng viết về khu căn cứ CM này. Nhà má có ba căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội...Khi vừa sinh con gái út Lê Thị Thập được 15 ngày thì có một đồng chí thương binh được đưa về căn cứ để chữa trị vết thương. Trong tình thế cấp bách đó, má đã đồng ý để đồng chí thương binh này vào ẩn nấp ngay trong căn buồng đang nằm ở cữ của mình để hàng ngày cán bộ y tế của ta đến chăm sóc, chữa trị vết thương...
Ông Phan Văn Tải, ông Lê Bá Lai soạn thư mời gửi cho CBCS từng hoạt động Quận nhì về dự lễ B1 Hồng Phước đón nhận danh hiệu AHLLVTND. |
4. Thật khó có thể hình dung, ngay trong lòng địch chiếm đóng với bao nhiêu đồn bốt: nào kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc của Mỹ, Đồn pháo binh 44, xung quanh dây kẽm gai chằng chịt, 46 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ vẫn không hề bị lộ cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng. Điều gì đã làm nên kỳ tích đó? Bà Huỳnh Thị Lục (82 tuổi)- giao liên Quận Nhì ngày ấy-đúc kết bằng câu nói giản dị: "Ngày ấy, kỷ luật nghiêm lắm con. Các bà được quán triệt thế này: "Cách mạng Miền Nam ai làm người nấy biết". Nhà ở Hồng Phước, làm giao liên cho An ninh Quận Nhì mà bà không hay biết ngay trên quê hương mình có những căn hầm bí mật". Ông Trần Văn Quang (58 tuổi)-con trai của má Phạm Thị Miên (năm Miên), nhà có nhiều căn hầm bí mật nhất (7 cái), hiện làm bảo vệ khu di tích- xúc động: "Nhà tui ở ngay sát hàng rào kẽm gai của đồn pháo binh 44 địch. Ba má cho CBCS Quận Nhì đào 7 căn hầm bí mật mà tui có biết đâu. Đào hầm đất đã khó, đào hầm cát càng khó gấp mấy lần. Phải nói mấy ông CM nhà mình giỏi thiệt, đào hầm nổi sát ngay hàng rào đồn 44 mà địch không phát hiện. Sau giải phóng, má dẫn đến chỉ mấy căn hầm. Lúc đó, tui mới biết nhà mình có hầm bí mật. Con cháu trong gia đình còn không biết thì huống chi người ngoài". Câu nói của ông Quang khiến tôi nhớ chuyện ông Sáu Tải kể, AHLLVTND Hồ Phúc Ngôn- nguyên Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 89 Thành Đội Đà Nẵng- hồi ấy về nằm vùng ở B1 Hồng Phước để hoạt động cũng không hề hay biết nhà em trai mình (em dâu là bà Phạm Thị Miên) có hầm bí mật. Cũng theo ông Sáu Tải, nhờ sự mưu trí, dũng cảm nằm giả chết của má Năm Miên khi địch xộc vào nhà dùng xà beng thọc tìm đến 7 hiệp trong một buổi chiều hòng tìm hầm bí mật nhưng không ra, cuối cùng ông và đồng đội thoát chết trong gang tấc.
5. Trước ngày diễn ra lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, tôi lại về khu di tích lịch sử CM B1 Hồng Phước. Đứng trên mảnh đất kiên trung này, chợt nhớ đến lời của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn- nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, từng hoạt động tại B1 Hồng Phước từ cuối năm 1973 đến năm 1975- rằng, chính tại B1 này, hình ảnh về ngọn đèn đứng gác được thể hiện rõ nét nhất. Mỗi lần đứng trên núi nhìn về phía Hồng Phước, nhìn thấy ánh đèn được các chị, các má treo trên các khám thờ ngoài ngõ là lòng ông cũng như đồng đội ấm lại, như thấy mình được về với nhân dân. Đó là ám hiệu báo tin an toàn, bộ đội ta, quân ta có thể về hoạt động. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, người dân Hồng Phước còn làm nhiều việc khác cho cơ sở CM. Từ khu căn cứ này, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh lớn. B1 Hồng Phước quả xứng danh anh hùng!
P.THỦY
Theo dòng lịch sử Nhà nghiên cứu lịch sử BÙI XUÂN - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng: B1 Hồng Phước là căn cứ của lòng dân Căn cứ lõm CM B1 Hồng Phước là căn cứ CM nằm sâu trong lòng địch tồn tại suốt cuộc kháng chiến. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố lòng dân. Nếu không có nhân dân Hồng Phước một lòng, một dạ tận trung với nước, với Đảng thì sẽ không thể nào bảo vệ được căn cứ CM nằm sâu ở trong lòng địch cho đến ngày đất nước thống nhất. Vì thế, rất cảm ơn nhân dân Hồng Phước cũng như những CBCS Quảng Đà, Đà Nẵng, Hòa Vang đã chung tay góp sức bảo vệ bí mật, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ này. Cảm ơn những bà mẹ đảm đang, bất khuất. Giữa sự sống và cái chết kề cận, các mẹ đã thể hiện lòng kiên trung, yêu nước, đặt lợi ích của Tổ Quốc lên trên hết. Ngoài việc nuôi giấu, bảo vệ, các mẹ đã thắp những ngọn đèn bảo an để báo hiệu cho CBCS chúng ta quyết định phương thức hoạt động khi đứng trên núi Hải Vân, vùng giáp ranh nhìn về căn cứ Hồng Phước và Đà Nẵng. Trong đó cũng phải kể đến những lực lượng CM đứng chân trên địa bàn Hồng Phước, đặc biệt là những CBCS nữ như chị Lê Thị Tính- Bí Thư Quận ủy, rất gan dạ, có nhiều sáng kiến, chỉ đạo sắc sảo các phong trào. Hay nữ liệt sĩ Trần Thị Vấn- Trung đội trưởng Đội du kích Hồng Phước- dù bị địch bắt bớ, tra tấn đến chết nhưng vẫn kiên trung, bất khuất quyết không khai báo... Có thể nói, căn cứ CM B1 Hồng Phước là căn cứ của nhân dân và là căn cứ của lòng dân. Ông DƯƠNG THÀNH THỊ - Chủ tịch HĐND Q.Liên Chiểu: Căn cứ B1 Hồng Phước là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước! ...Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồng Phước có 71 gia đình sinh sống trong 64 nóc nhà, tất cả đều là cơ sở CM. Từ khi thành lập cho đến ngày quê hương giải phóng, khu căn cứ CM B1 Hồng Phước không một lần bị vỡ, cơ sở không hề bị lộ, bí mật tập thể được giữ gìn nghiêm ngặt nhất, là một thành công rất lớn, có tính chất điển hình trong công tác xây dựng "căn cứ lõm" của ta trong chiến tranh nhân dân. Có được thành công này là vì B1 Hồng Phước là căn cứ của lòng dân. Không có nhân dân thì không có căn cứ B1 Hồng Phước. Chủ nghĩa yêu nước mà cốt lõi là độc lập, tự do và tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc đây chính là động lực để làng quê cát trắng Hồng Phước nằm sâu trong vùng địch được xây dựng trở thành một làng thuần khiết CM...Là người con sinh ra lớn lên trên mảnh đất Hồng Phước anh hùng, gia đình tôi đều theo CM, trong nhà cha mẹ tôi (bà Phạm Thị Dĩ- ông Dương Chương-P.V) có 4 căn hầm bí mật. Năm 12 tuổi, tôi chính thức tham gia hoạt động CM và được giao nhiệm vụ làm du kích mật hoạt động trong lực lượng biệt động Quận nhì tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ cán bộ về hoạt động, bảo vệ các căn hầm bí mật, được Đội phó Đội công tác Phía Trước phân công đi dò la, vẽ sơ đồ cung cấp cho bộ đội đặc công đánh kho gạo của giặc Mỹ...Vì thế, tôi hiểu rõ sự hy sinh thầm lặng của quân, dân Hồng Phước. Căn cứ CM B1 Hồng Phước Quận Nhì được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT là hoàn toàn xứng đáng. Ông LÊ BÁ LAI - nguyên Phó Ban An Ninh Quận Nhì (1970-1975), Trưởng Ban Liên lạc Quận nhì: Căn cứ B1 Hồng Phước không thua bất kỳ căn cứ khác trên đất nước này Chúng tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi căn cứ CM B1 Hồng Phước được công nhận AHLLVTND. Sự kiện B1 Hồng Phước được phong tặng anh hùng là rất xứng đáng với công sức, những hy sinh thầm lặng của nhân dân Hồng Phước, của CBCS Quận Nhì dày công xây dựng căn cứ lõm B1 Hồng Phước. Nói khác hơn, không có Quận Nhì thì không có căn cứ B1 Hồng Phước, không có căn cứ đó thì cũng sẽ không có các phong trào CM ở nội thành, không có 7 dũng sĩ Thanh Khê. Từ căn cứ này, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh..". PHAN THỦY (ghi) |