Báo Công An Đà Nẵng

Căn cứ Futenma không chỉ đơn thuần trong quan hệ Mỹ-Nhật

Thứ ba, 09/03/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà tân chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama khi lên nắm quyền lãnh đạo là giải quyết việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại tỉnh Okinaw.

Đây là bài toán khá hóc búa không chỉ đơn thuần làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ-Nhật ở tầm chiến lược, mà ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đứng đầu cũng sớm xuất hiện những rạn nứt đáng quan tâm. Hiện Chính phủ Nhật đang bước vào giai đoạn cân nhắc cuối cùng và chọn lựa một trong hai kế hoạch về việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại Okinawa.

Tuy nhiên, theo cả hai kế hoạch này, căn cứ Futenma vẫn sẽ được bố trí tại Okinawa, một việc đi ngược lại cam kết của Thủ tướng Hatoyama và DPJ trong cương lĩnh tranh cử Hạ viện hồi tháng 8-2009. Ngày 8-3, Hội đồng lập pháp thành phố Nago (thuộc tỉnh Okinawa) đã nhất trí ra một văn bản thể hiện lập trường phản đối phương án tái bố trí căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại căn cứ Camp Schwab thuộc thành phố này của Chính phủ Nhật Bản.

Hội đồng lập pháp thành phố Nago cũng ra một nghị quyết phản đối ý tưởng xây dựng một sân bay trực thăng dài 500m hoặc đường băng dài 1.600m tại căn cứ Camp Schwab ở thành phố Nago. Đây là một trong hai phương án cuối cùng mà chính quyền Hatoyama sẽ chọn lựa để giải quyết dứt điểm vấn đề Futenma.

Nghị quyết trên nêu rõ: “Mục đích của việc di chuyển căn cứ Futenma là loại bỏ tính nguy hiểm ra khỏi khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, phương án mới này chỉ đơn thuần là “mang nguy hiểm và tiếng ồn tại Futenma tới Nago”. Nghị quyết cũng cảnh báo phương án này sẽ “phá hủy cuộc sống và môi trường giáo dục tại Nago”. Trước đó, hồi đầu tháng 3, Thị trưởng thành phố Nago Susumu Inamine đã tuyên bố phản đối cả hai phương án xây dựng sân bay mới tại vịnh Henoko thuộc thành phố Nago và tại Camp Schwab.

Chủ tịch Ủy ban các vấn đề QUốC hội của Đảng mới của Nhân dân (PNP) Mikio Shimoji ngày 6-3 đã khẳng định quan điểm đảng này sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền nếu Chính phủ Nhật Bản quyết định thực hiện kế hoạch hiện có theo thỏa thuận Nhật-Mỹ ký năm 2006 hoặc tiếp tục sử dụng căn cứ Futenma.

Phát biểu tại cuộc họp của những người ủng hộ ở thành phố quê hương Naha, tỉnh Okinawa, ông Shimoji nhấn mạnh PNP “sẽ trở thành đảng đối lập và đấu tranh” nếu chính phủ lựa chọn hai giải pháp trên. Ông khẳng định với tư cách là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề QUốC hội và Trưởng ban chính sách bầu cử của PNP, ông sẽ mạnh mẽ đề xuất đảng này đi theo con đường đó. PNP đã đề xuất hai kế hoạch di chuyển căn cứ Futenma, trong đó có kế hoạch được cho có tính khả thi là di chuyển căn cứ Futenma đến khu vực trên đất liền của căn cứ Schwab ở thành phố Nago, tỉnh Okinawa.

Thủ tướng Hatoyama gặp khó khăn trong quyết định di chuyển căn cứ Futenma. Ảnh: AFP 

Tuyên bố của ông Shimoji được cho là nhằm gây sức ép để Thủ tướng Hatoyama chấp nhận đề xuất của PNP. Trong khi đó, phát biểu tại thành phố Sapporo, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada cũng thừa nhận nếu không giải quyết được vấn đề di chuyển căn cứ Futenma trong tháng 5, quan hệ Nhật - Mỹ “sẽ rơi vào tình trạng nghiêm trọng”. Một nguồn tin khác từ DPJ  ngày 7 - 3 cho biết Tổng Thư ký đảng này Ichiro Ozawa đã bày tỏ không hài lòng với phương án mà chính quyền của Thủ tướng Yukio Hatoyama đưa ra về việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại tỉnh Okinawa.

Nguồn tin cho hay Tổng Thư ký Ozawa đã nói với ban lãnh đạo DPJ rằng Chính quyền Hatoyama không thể lựa chọn phương án xây dựng sân bay trực thăng dành cho Futenma tại Okinawa vì điều này vi phạm cam kết di chuyển căn cứ này ra khỏi tỉnh Okinawa trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Ông Ozawa tuyên bố: “Ngài Thủ tướng đã cam kết sẽ di chuyển Futenma ra khỏi Okinawa, thậm chí ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản và ông ta biết rằng (việc tái bố trí tại Okinawa) sẽ gây ra những điều bất lợi trong cuộc bầu cử sắp tới”. Ông Ozawa còn cảnh báo rằng quyết định này sẽ “làm hỏng hình ảnh của DPJ”, đồng thời sẽ “chống lại đảng này trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè sắp tới”.

Máy bay trực thăng của quân đội Mỹ tại căn cứ Futenma. Ảnh: AP 

Trong một diễn biến khác, đáp lại thách thức của Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Tadamori Oshima yêu cầu Thủ tướng Yukio Hatoyama từ chức nếu không giải quyết được vấn đề Futenma trong tháng 5, ông Hatoyama đã cho rằng “đó là chuyện đương nhiên”. Phát biểu trước các nhà báo tại Tokyo ngày 6-3, Thủ tướng Hatoyama nói: “Việc dồn toàn lực để giữ cam kết với nhân dân là phương châm cơ bản của chính quyền mới. Tôi đã tuyên bố rằng dưới thời nội các tiền nhiệm, cho dù không thực hiện được cam kết tranh cử, họ cũng không coi đó là điều quan trọng. Chủ trương chính trị như vậy đã bị người dân trừng phạt”. Thủ tướng Hatoyama cho rằng ông đã “giác ngộ” về điều này và sẽ dốc toàn lực để giải quyết vấn đề di chuyển căn cứ Futenma vào tháng 5 tới.

Một điều khác cũng đáng lo ngại cho liên minh cầm quyền là ngày 7-3, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Yukio Hatoyama tiếp tục giảm mạnh trong tháng qua, xuống còn 36,3%, mức thấp nhất kể từ khi liên minh do DPJ lãnh đạo lên nắm quyền hồi tháng 9-2009. Kết quả cuộc thăm dò qua điện thoại do hãng Kyodo tiến hành trong hai ngày 6 và 7-3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ NộI các của ông Hatoyama giảm 5,1% so với cuộc thăm dò hồi tháng 2, trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng 3,8% lên 48,9%.

Cũng theo cuộc thăm dò này, có tới 58,6% số người được hỏi cho rằng DPJ không thích hợp để kiểm soát Thượng viện giống như đang kiểm soát Hạ viện trong khi chỉ 28,3% có quan điểm ngược lại. Khi được hỏi sẽ bầu cho đảng nào trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này, có 26,9% người được hỏi chọn DPJ, giảm 6,7%, trong khi con số dành cho LDP đối lập tăng 2,9% lên mức 26,3%.

Về tương lai của Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa, có tới 74,8% số người trả lời cho rằng ông này nên từ chức khỏi cương vị số hai tại DPJ, tăng 2,1% so với cuộc thăm dò tháng trước, do liên quan tới vụ bê bối tài chính của tổ chức quản lý quỹ Rikuzankai của ông. Ngay lập tức, Thủ tướng Hatoyama ngày 8-2 đã thừa nhận Chính quyền do DPJ lãnh đạo chưa hoạt động có hiệu quả, chưa thu phục được lòng dân.

Thủ tướng Hatoyama nói: “Dư luận đang lan rộng trong dân chúng Nhật Bản rằng mặc dù đã thay đổi được chính quyền, song (chính quyền mới) vẫn chưa chứng tỏ được bản sắc thực sự của DPJ. Cần phải tiếp nhận điều đó một cách nghiêm túc”. Ông Hatoyama cũng bác bỏ ý kiến trong nội bộ DPJ cho rằng cần cải tổ nội các để nâng cao tỷ lệ ủng hộ chính phủ, đồng thời khẳng định “không nghĩ đến chuyện cải tổ nội các vào thời điểm này”. Để đối phó với tình hình hiện nay, Thủ tướng Hatoyama nhấn mạnh: “Điều quan trọng là cần coi việc thông qua dự thảo ngân sách, thực hiện các chính sách phản ánh cương lĩnh tranh cử là nhiệm vụ cơ bản, ngoài ra không được dừng lại ở đó mà cần tiếp thu thẳng thắn những lời phê bình của nhân dân và đưa ra chính sách khai thông bế tắc”.

Lê Minh Châu