Báo Công An Đà Nẵng

Cần đảm bảo bí mật thông tin của người bị tố cáo

Thứ tư, 17/05/2017 12:22

(Cadn.com.vn) - Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 16-5-2017, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với 2 dự thảo: Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng  (sửa đổi). Hội nghị do ông Nguyễn Thanh Quang, UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP và ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì  với sự tham gia của các ĐBQH: Nguyễn Bá Sơn, Võ Thị Như Hoa và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm 9 chương với 64 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo, quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm. Góp ý vào các nội dung của dự thảo luật, các đại biểu (ĐB) Tạ Tự Bình (Sở Tư pháp), Lương Công Tuấn (Thanh tra thành phố) cho rằng:  Ngoài 2 hình thức tố cáo như dự thảo luật quy định là: Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo thì cũng  cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như: bằng fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Thanh Quang chủ trì.

Về tố cáo nặc danh, các ĐB cho rằng thực tế không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, bị trù dập, trong khi việc bảo vệ người tố cáo chưa tốt dẫn đến việc nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình nhưng nếu xét thấy việc tố cáo có con người, địa chỉ cụ thể, có hành vi sai phạm cụ thể thì cần được cân nhắc, xem xét. ĐB Lê Xuân Hòa cho rằng  quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quy định tại điều 9 của dự thảo Luật chưa rõ. Theo ĐB Hòa thì công dân không có nghĩa vụ phải chứng minh hành vi vi phạm pháp luật mà đó là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. ĐB Hòa đề nghị bổ sung quy định đảm bảo bí mật thông tin của người bị tố cáo như đảm bảo bí mật thông tin của người tố cáo, tránh việc lợi dụng tố cáo tràn lan. ĐB Hòa cho rằng, trong tố cáo, việc bảo vệ bí mật thông tin là rất quan trọng  nhưng chưa có quy định đặc thù. Việc lộ, lọt bí mật thông tin có thể từ khâu tiếp nhận hoặc chuyển đơn tại bộ phận văn thư vì thế đề nghị bổ sung  quy định việc tiếp nhận đơn tố cáo phải theo chế độ mật ngay từ ban đầu và chỉ người có thẩm quyền mới được xem nội dung tố cáo...

Về dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BVVPTR) sửa đổi có 12 chương, 97 điều, so với Luật BVVPTR năm 2004 đã bổ sung 4 chương mới, kế thừa 8 điều, sửa đổi 60 điều, bổ sung mới 29 điều, bỏ 19 điều. Theo các ĐB thì tên gọi của Luật như dự thảo là chưa phù hợp mà kiến nghị lấy tên là Luật Lâm nghiệp cho phù hợp với nội dung của Luật và các công ước quốc tế về lâm nghiệp. Vấn đề được các ĐB tập trung phân tích, kiến nghị nhiều nhất là quy định không thống nhất trong dự thảo Luật. Tại điều 5 quy định về phân loại rừng thì xác định có 3 loại rừng là: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trong khi tại khoản 1 điều 77 về các loại rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì ngoài 3 loại rừng  trên còn có thêm rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp. Theo ĐB Nguyễn Mạnh Tiến thì đối với loại rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp (rừng ngoài quy hoạch)  thì lấy quy định nào để điều chỉnh trong khi tại điều 5 không quy định loại rừng này, vì vậy ĐB Tiến đề nghị điều chỉnh lại khoản 1 điều 77, hoặc  là bỏ loại rừng ngoài quy hoạch, hoặc xây dựng các chế tài điều chỉnh đối với loại rừng này. Cũng theo ĐB Tiến không nhất thiết phải luật hóa đối với việc phát triển cây phân tán  như quy định tại điều 64 vì đây là hoạt động xã hội hóa, mang tính chất khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển diện tích cây xanh và độ che phủ tại các đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, nếu luật hóa nội dung này sẽ rất khó thực hiện.

Phát biểu tại các hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thanh Quang và Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn  cảm ơn các ý kiến đóng góp của các ĐB và cho biết: Đoàn ĐBQH tiếp thu, tập hợp, lựa chọn để phát biểu trong chương trình xây dựng pháp luật tại các phiên họp của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 5-2017.

K.Thanh