Cần đảm bảo chế độ cho người lao động ở vùng đặc biệt khó khăn
Từ việc hưởng lương và các chế độ theo vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, "bỗng dưng" 15 nhân viên đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức (H. Hiệp Đức, Quảng Nam) bị chuyển sang hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ và bị cắt các khoản phụ cấp trước đó. Cho rằng quyền lợi của mình không được đảm bảo, 15 nhân viên trên đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi.
Nhiều nhân viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức kêu cứu vì cho rằng quyền lợi của mình không đảm bảo. |
Nội dung đơn kêu cứu thể hiện: "Trường chúng tôi thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Trước đây chúng tôi được hợp đồng làm việc theo Nghị định số 68/2000/NĐCP ngày 17-11- 2000 của Chính phủ (Nghị định 68). Theo loại hợp đồng này chúng tôi được hưởng các phụ cấp theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8-10-2019 của Chính phủ (Nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn) và được nâng lương 2 năm 1 bậc (mỗi bậc lên 0,18). Đến ngày 1-7-2020, chúng tôi bị Phòng GD&ĐT H. Hiệp Đức chuyển sang hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐCP ngày 29-11-2018 của Chính phủ (Nghị định 161) và cắt các phụ cấp theo hợp đồng trước đó (phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm,...) nên thu nhập của chúng tôi đã giảm đi đáng kể (người bị giảm thấp nhất là 17,2%, người bị giảm cao nhất là 31,3% thu nhập).
Thật vô lý khi chúng tôi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn mà hưởng bằng tiền lương với vùng thuận lợi. Và nếu theo hợp đồng cũ thì đến tháng 9-2020 chúng tôi có 12 người được nâng một bậc lương, nhưng tháng 7-2020 lại chuyển sang hợp đồng mới; không có lộ trình nâng lương và được cấp trên cho hưởng một mức lương duy nhất là quá vô lý. Trong khi đó Công văn số 3349/ UBND-NC ngày 22-6-2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động hợp đồng theo Nghị định 68 đã nêu rõ:... các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký hợp đồng, sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở chi trả lương cho người lao động nhưng đảm bảo không được thấp hơn mức lương hiện hưởng và mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ".
Ông Trần Văn Bình- Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức đại diện cho nhóm nhân viên trên phản ánh: "Trong 15 nhân viên chúng tôi có 4 người công tác từ 5-9 năm, 7 người công tác từ 12-15 năm và 3 người công tác từ 16-17 năm. Qua thời gian phấn đấu, cống hiến chúng tôi lên được mức lương tương đối để ổn định cuộc sống, nay lại thay đổi hợp đồng và chúng tôi lại bắt đầu lại từ đầu thì quá oan nghiệt...".
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT H. Hiệp Đức thông tin về sự việc với P.V. |
Trước sự việc trên, làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Phạm Văn Rực- Trưởng Phòng GD&ĐT H. Hiệp Đức cho rằng, việc thay đổi hợp đồng trên đơn vị thực hiện theo chủ trương chung của Bộ Nội vụ; không riêng gì Hiệp Đức mà 9 huyện miền núi của Quảng Nam cũng đang thực hiện chuyển từ hợp đồng theo Nghị định số 68 sang hợp đồng theo Nghị định số 161. "Có thể nói những nhân viên trên lao động ở vùng miền núi khó khăn, họ rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ thực hiện theo quy định mới của Bộ Nội vụ và cấp trên. Hiện ngành Giáo dục cũng như ngành Nội vụ ở địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để có thêm các chế độ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động", ông Rực nói.
Còn ông Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ khẳng định, có địa phương khi chuyển sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định 161 thì một số đối tượng lương tăng lên, cũng có một số đối tượng lương giảm xuống. Tại mục 3 Công văn số 2357 ngày 18-11-2020 của Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể: Đối tượng áp dụng chính sách ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 2 Nghị định số 76 ngày 8-10-2019. Như vậy, việc các cơ quan, đơn vị tự ý cắt chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn khi chưa có chủ trương chung của tỉnh là chưa đảm bảo quy định.
"Về thông tin phản ánh từ 15 nhân viên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức, Sở sẽ giao phòng chuyên môn làm việc với UBND H. Hiệp Đức để kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định 161 ở các đơn vị trực thuộc. Theo đó, nội dung nào chưa đảm bảo, còn vướng mắc thì kịp thời xin ý kiến của cơ quan cấp trên để giải quyết"- đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam thông tin thêm.
B.B