Báo Công An Đà Nẵng

Quy hoạch dự án du lịch ven biển:

Cần đặt lợi ích người dân lên trên hết (Bài cuối: Điểm mặt những dự án du lịch bỏ hoang)

Thứ sáu, 04/05/2018 14:40

Khi Quảng Ngãi có chủ trương cho Tập đoàn FLC triển khai dự án trên địa phận 2 huyện Bình Sơn và Lý Sơn đã xảy ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Dư luận hoài nghi về tính khả thi của những dự án du lịch này cũng có cơ sở, bởi hiện tại, nhiều dự án du dịch ven biển các tỉnh miền Trung không phát huy được công năng của nó. Bên cạnh, nhiều dự án chủ đầu tư có dấu hiệu “xí phần” rồi để đó nên một số hạng mục công trình bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí...

Dự án Chu Lai Resort bỏ hoang nhiều năm nay. 

Trục đường ven biển nối 2 huyện Núi Thành (Quảng Nam) và Bình Sơn (Quảng Ngãi) hơn chục năm qua mọc lên nhiều resort cao cấp kéo dài hàng chục ki-lô-mét. Trong đó phải kể đến Thiên Đàng Resort (thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Bình Thạnh, H. Bình Sơn và xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành). Theo như thiết kế, đây là khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 2 sao và du lịch thuần túy đậm nét thiên nhiên văn hóa miền biển. Thiên Đàng Resort rộng đến 286ha, gồm các khu: Khu Thiên Đàng bốn mùa, khu Thiên Đàng mùa xuân, khu Thiên Đàng mùa hè và khu Thiên Đàng mùa thu. Kiến trúc và trang thiết bị là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Á - Âu. Với lối thiết kế hiện đại nhưng đậm nét văn hóa miền biển đã tạo nên một không gian tràn ngập ánh nắng thân thiện với biển cả. Hoành tráng là vậy, tuy nhiên nhiều năm qua, lượng du khách đến đây rất hạn chế nên việc đầu tư, nâng cấp dự án dường như bỏ ngỏ, nhiều hạng mục đang trong giai đoạn xuống cấp.

Trong chuỗi hệ thống của Thiên Đàng Resort còn có Chu Lai Resort và Bảo tàng Chu Lai (thuộc địa phận xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành)- trước đây những dự án này thuộc Cty Cổ phần Đầu tư Miền Trung làm chủ đầu tư. Nhưng theo ông Võ Văn Thạnh – Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết, hiện chuỗi hệ thống resort này do Cty Phát triển đầu tư hạ tầng Chu Lai quản lý. Đáng chú ý, trong chuỗi hệ thống resort này còn có Bảo tàng Chu Lai – nơi lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa Chăm độc đáo, có giá trị. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 5ha. Khi mới đưa vào hoạt động, bảo tàng này trưng bày hàng trăm hiện vật có niên đại từ 100 - 300 năm tuổi với các loại binh khí, các vật dùng trong nhà quan lại thời xưa và những vật dùng trang trí nội thất cổ của các nền văn hóa dân tộc qua các thời nhà Nguyễn, Mạc, Tây Sơn..., văn hóa Hậu Sa Huỳnh...

Bảo tàng Chu Lai nằm trong chuỗi Đô thị Chu Lai Resort cũng hoang vắng. 

Hoành tráng là vậy, tuy nhiên ngày 26-4, chúng tôi có dịp ghé ngang khu chuỗi resort bảo tàng này vắng hoe không một bóng du khách. Những cánh cổng lớn dẫn vào các khu cửa đóng then cài. Những căn nhà xây dang dở bỏ hoang nhiều năm qua, những công trình trước đây đã đưa vào hoạt động nay xuống cấp nghiêm trọng. Dạo quanh khu resort hàng trăm héc-ta này để tìm một người trò chuyện nhưng chúng tôi không bắt gặp được ai...

Cũng tại H. Núi Thành, dự án xây dựng khu du lịch của Cty CP Du lịch Việt Ngữ ở xã đảo Tam Hải sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, hiện vẫn trong tình trạng dang dở... Thiết kế ban đầu dự án nhìn khá đẹp mắt. Khu du lịch nằm ven biển dẫn ra mõm đá Bàn Than. Theo người dân, đây là vị trí đẹp nhất tại xã đảo này. Dự án được quy hoạch gần 90.000m2, thế nhưng hơn 10 năm trôi qua, chủ đầu tư chỉ sử dụng khoảng 8.000m2 để xây dựng một công trình, nhưng vẫn đang dang dở. Công trình bị bỏ lâu nay đó là một khu khách sạn khoảng 20 phòng. Khu khách sạn bỏ hoang chưa được xây tường rào, cỏ mọc um tùm. Người dân nhiều lần kiến nghị địa phương kiểm tra lại năng lực của chủ đầu tư, nếu không triển khai dự án thì trả đất lại cho dân tự do sử dụng.

Nằm trong phần đất quy hoạch khu du lịch này, một số hộ dân đã được bồi thường, hiện người dân vẫn sinh sống, nhưng muốn cơi nới hoặc sửa san nhà cửa đều phải xin ý kiến của địa phương. Tuy nhiên, do dự án “treo” quá lâu nên việc quản lý hiện trạng gần như thả nổi. Xung quanh công trình dở dang này, nhiều nhà dân đã mọc lên.

Theo lãnh đạo xã Tam Hải cho biết, địa phương nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Địa phương không nắm rõ lý do dự án dang dở. Trong khi đó, có thông tin cho rằng chủ đầu tư kêu bán dự án nhưng chưa thấy đơn vị mới nào thay thế để tiếp tục đầu tư xây dựng.

Hoang tàn dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Tam Hải.

Cách đó không xa, dự án Khu du lịch sinh thái Vina Capital Hội An (P. Điện Dương, TX Điện Bàn) cũng bị “treo” gần chục năm nay. Trước đây khu vực này là rừng dương phòng hộ, chúng tôi muốn xuống biển chỉ cần đi vài bước là tới. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, chủ đầu tư san ủi mặt bằng, bứng hết cây dương khiến khu đất trở nên trống trải. Mùa mưa bão, người dân rất lo lắng vì không có cây xanh phía trước chắn gió trong khi mùa nắng cát bụi bay vào nhà rất ô nhiễm”- một người dân cho hay. Ông Đinh Phúc Nam - Phó Chủ tịch UBND P. Điện Dương cho biết, dự án Khu du lịch sinh thái Vina Capital Hội An chậm triển khai đã gây bức xúc cho người dân. Địa phương nhiều lần hối thúc nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn cứ hứa hẹn mà chưa chịu triển khai.

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, trước đây do nhận thức chưa đầy đủ nên trong quy hoạch vùng ven biển có một số bất cập, nhiều dự án được triển khai xây dựng quá sát bờ biển, không có không gian chung cho người dân cùng sử dụng. “Có một thời gian việc này chưa được thực hiện tốt lắm, giờ nhìn nhận lại thấy có sự bất cập. Hiện nay các dự án chưa triển khai thì chúng tôi đang tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư để điều chỉnh dần. Rút kinh nghiệm từ trước đó, trong quy hoạch vùng ven biển từ Cửa Đại (TP Hội An) đến Cửa Lở (H. Núi Thành) sẽ có tuyến đường ven biển phục vụ du lịch, khu vực từ mép biển vào 150 mét sẽ không cho phép xây dựng dự án để dành diện tích cho cộng đồng. Những dự án nào kéo dài không triển khai thì tỉnh sẽ xem xét thu hồi”- ông Quang nói.

BÃO BÌNH