Cần đổi mới mạnh mẽ công tác học sinh, sinh viên
(Cadn.com.vn) - Hội thảo, tập huấn về "Công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và công tác quản lý HSSV năm 2015" dành cho các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 25 và 26-8 tại Đà Nẵng với nhiều nội dung đã cho thấy, công tác quản lý HSSV trong thời kỳ hội nhập với sự bùng nổ của mạng xã hội đặt ra nhiều thách thức.
Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HSSV
Đánh giá về thực trạng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, Bộ GD-ĐT cho rằng, đa số HSSV đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xác định được mục tiêu, lý tưởng, ý chí phấn đấu, hiếu học, tôn sư trọng đạo; có phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Nhiều tấm gương HS nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng... Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để cùng chung tay giáo dục HSSV có lối sống lành mạnh, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm ngày càng được quan tâm hơn...
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một bộ phận không nhỏ HSSV có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, không lành mạnh và có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Một trong những nguyên nhân là do sự biến đổi quá nhanh của đời sống xã hội cùng với những tác động mặt trái của đời sống kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của HSSV.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Điều đó được thể hiện cụ thể ở nội dung chương trình môn Đạo đức, Giáo dục công dân... còn nặng về lý thuyết; phương pháp và hình thức giáo dục chậm đổi mới; GV chưa xem trọng việc tích hợp, lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV; việc giáo dục thông qua những tấm gương người tốt, việc tốt chưa được chú ý triển khai trong các trường học; phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp còn mang nặng tính hình thức, áp đặt nên chưa tạo được sự tham gia của số đông HSSV; hình thức giáo dục còn đơn điệu, chưa chú ý đến từng đối tượng HSSV; vẫn còn hiện tượng thầy cô dùng vũ lực xâm phạm đến thân thể HS; việc giáo dục kỹ năng sống cho HSSV chưa thực sự đi vào chiều sâu, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai...
Cũng theo Bộ GD-ĐT, các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội thâm nhập vào nhà trường đã ít nhiều ảnh hưởng xấu đến đạo đức lối sống HSSV. Đặc biệt, một bộ phận GV, cán bộ quản lý giáo dục và người lớn, cha mẹ HSSV chưa làm gương để con cái noi theo. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội chưa được đẩy lùi; các vụ án nghiêm trọng thời gian qua cũng đã ảnh hưởng xấu đến HSSV...
Tại hội thảo, tập huấn, một lần nữa vấn đề này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh. HSSV là lứa tuổi rất dễ bị những mặt tiêu cực của xã hội tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm nếu như không có đủ bản lĩnh cùng nhận thức đúng đắn, đầy đủ... Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh xã hội có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, công tác HSSV đòi hỏi phải cần phải đổi mới thường xuyên cả về nội dung lẫn hình thức, để giúp HSSV ngày càng có đủ bản lĩnh, không bị lôi kéo, sa ngã trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội hiện đại.
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần cố gắng thực hiện tốt trong năm học mới 2015-2016, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và hoạt động dịch vụ HSSV nhằm giúp HSSV chủ động, tích cực tham gia vào quá trình học tập và rèn luyện do nhà trường tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần "thực hiện tốt các biện pháp phối hợp đảm bảo ANTT trường học, đặc biệt là đẩy mạnh quản lý, phối hợp ngăn chặn tình trạng HSSV đánh nhau", đồng thời chú ý hơn nữa đến vấn đề định hướng, phòng chống các tác động tiêu cực từ Internet, mạng xã hội đối với HSSV.
SV ĐH Đà Nẵng tham gia công tác dân vận, làm đường giao thông nông thôn tại các xã miền núi. |
Đổi mới tư duy, nhận thức
Song song với việc tập trung vào thảo luận dự thảo Sửa đổi quy chế HSSV và một số vấn đề cụ thể của công tác HSSV năm học 2015-2016, một trong những nội dung được hội thảo, tập huấn chú trọng là vấn đề cần định hướng cho giới trẻ, trong đó có HSSV trong việc truy cập, sử dụng mạng xã hội, lên tiếng phản biện, phản bác các luận điểm xuyên tạc, không lành mạnh trên mạng xã hội cũng như phòng ngừa tác động tiêu cực từ internet.
Không ai phủ nhận tính ưu việt cùng những tiện ích mà CNTT, đặc biệt là mạng internet đã mang lại trong đời sống xã hội hiện tại. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm đó, những hạn chế, bất lợi và tiêu cực do mạng xã hội đem lại cho giới trẻ, đặc biệt là HSSV cũng không nhỏ. Cùng với sự năng động, tự tin, tiếp nhận và thích ứng nhanh với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, CNTT, HSSV với những đặc điểm về phát triển tâm lý, là lứa tuổi chưa đủ độ chín chắn nên dễ bị tác động, ảnh hưởng từ những mặt tiêu cực hoặc chưa tích cực do xã hội mang lại. Vì vậy, nếu không được định hướng, quan tâm đúng mức từ phụ huynh, gia đình, nhà trường cùng các tổ chức đoàn thể khác, HSSV khi đã tham gia và "mê" thế giới mạng, rất dễ sa vào cảm giác "sống ảo" để rồi dễ dàng rời bỏ cuộc sống thực tại, dễ mất niềm tin vào cuộc sống khi bị giật dây, kích động...
Vì thế, công tác quản lý HSSV trong thời kỳ hội nhập với sự bùng nổ của mạng xã hội đặt ra nhiều thách thức không nhỏ... Để công tác HSSV đi vào chiều sâu và tạo được sự lan tỏa sâu rộng, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào trong các trường học, phải xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho HSSV không phải là nhiệm vụ của riêng ngành GD-ĐT mà cần có sự chung tay phối hợp triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội.
P. Thủy