Báo Công An Đà Nẵng

Cần giải pháp căn cơ

Thứ năm, 03/10/2013 23:13

(Cadn.com.vn) - Tất cả các cấp từ T.Ư đến cơ sở, các thành phần xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... đang hướng đến đồng bào miền Trung ngày đêm chống chọi với hậu quả kinh hoàng của bão số 10. Điều đó tạo ra động lực lớn lao cho đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này; nhưng có lẽ cần một điều hơn thế. Đó chính là một giải pháp căn cơ mang tầm quyết sách.

Miền Trung là nơi khắc nghiệt, phải thường xuyên chống chọi với thiên tai ở cấp độ tàn phá vô cùng dữ dội. Nếu nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm, vào tháng 10-2010, miền Trung, cụ thể là các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa cũng đã một lần gánh chịu thảm họa thiên tai, lũ lụt. Trong khoảng thời gian từ đó đến gần đây, vẫn có những trận thiên tai nhưng nhìn chung là không đáng kể. Rồi bão số 10 ập đến, tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho khu vực này. Lùi xa hơn nữa, có những dấu mốc về thiên tai mà mỗi khi nhắc lại, người miền Trung không thể nào quên, như “đại hồng thủy” 1999, bão số 9 năm 2009...

Trở lại với hậu quả của bão số 10, những ngày qua, đã có rất nhiều bảng thống kê thiệt hại nêu ra theo tuần tự thời gian, những con số trong các bảng thống kê sau luôn cao hơn bảng thống kê trước. Đơn cử, trưa 2-10, theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, thì thiệt hại kinh tế do bão số 10 gây ra khoảng 4.915 tỷ đồng; tuy nhiên, tối cùng ngày, con số thiệt hại được tính theo phép tương đối “hàng chục nghìn” tỷ đồng. Nghĩa là, con số thiệt hại càng ngày càng lớn hơn, đó là chưa kể đến tính chất dây chuyền “hậu quả của hậu quả”, như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, hệ quả xã hội...

Trước tính chất phức tạp và mức độ thiệt hại quá lớn, rõ ràng, cần một đối sách trong khắc phục hậu quả, bên cạnh việc kêu gọi sự tương trợ của toàn xã hội. Đối sách đó chính là hệ tổng hợp các chủ trương, chính sách, nguồn lực, cơ chế được triển khai đồng bộ và sâu rộng. Tinh thần tương thân tương ái của toàn xã hội đối với đồng bào miền Trung lúc này là vô cùng quý giá, vô cùng cấp thiết và chuyển ngay thành hành động giúp đỡ một cách trực tiếp đến tận mỗi hoàn cảnh. Đó cũng chính là điều cần nhất lúc này. Nhưng để khôi phục kinh tế - xã hội các địa phương miền Trung, giúp hàng vạn gia đình thực sự bước qua giai đoạn khó khăn hiện nay trong một vài năm tới, rõ ràng, sự tương trợ sẽ đến giới hạn. Nghĩa là, như đã nói, chúng ta cần một giải pháp căn cơ mang tầm quyết sách, nhưng không phải sau này mà ngay chính lúc này.

Trong lịch sử hàng nghìn năm qua cũng như hiện tại, mỗi khi gặp thiên tai, địch họa, nhân dân đói khổ, Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc cho nhân dân, bằng những chính sách tuy không cùng tên gọi, nhưng chung lại, nổi bật và hiệu quả nhất vẫn là “khoan sức dân”. Đó chính là tư tưởng trị quốc tiến bộ của các triều đại phong kiến xưa mà ngày nay Đảng, Nhà nước ta tiếp tục kế thừa, phát huy. Lẽ đó, ngay chính lúc này, thực hiện “khoan sức dân” đối với đồng bào miền Trung, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ, phải chăng là điều nên làm?

So sánh thì e có phần khập khiễng, nhưng kinh nghiệm cũng chẳng đâu xa, mới đây, sau khi xảy ra các vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi và Hải Dương, chính quyền các địa phương này ngay lập tức tuyên bố bỏ tất cả các khoản đóng góp của tiểu thương trong vòng 1 năm. Tuy chính sách đó chỉ mang tính địa phương, khu biệt, nhưng tinh thần của nó thì không gì khác ngoài “khoan sức dân”. Nếu bây giờ, hay một thời điểm thích hợp nào khác, Chính phủ ra một tuyên bố tương tự đối với đồng bào miền Trung, chí ít là những hộ trực tiếp chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 10, chắc rằng sẽ được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Tất nhiên, một quyết sách đúng đắn luôn cần thời gian để chuẩn bị và thông qua, nhưng nếu đó là chính sách thể hiện tinh thần “khoan sức dân” đại thể cũng không quá phức tạp, bởi bản thân nó là tư tưởng, kinh nghiệm trị quốc nghìn đời của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Lê