Báo Công An Đà Nẵng

Cần hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày

Thứ tư, 13/01/2016 09:49

(Cadn.com.vn) - Chiều nay (13-1), Ban Thường vụ Đoàn Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức phát động cuộc thi sáng tác video clip "Việt Nam trong mắt tôi" năm 2016. Mục đích cuộc thi hướng đến là tìm kiếm những clip tuyên truyền sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực trong vấn đề bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường sống xung quanh bằng cách thay đổi những thói quen, hành động chưa được đẹp của con người Việt Nam. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên nói riêng, giới trẻ nói chung trong việc bảo vệ, giữ gìn, cải thiện môi trường, phát huy nhân rộng những việc làm văn minh, hạn chế những thói quen xấu trong xã hội. Bí thư Đoàn ĐHĐN - Ths Nguyễn Đức Tiến đã có những chia sẻ về vấn đề này với Báo Công an TP Đà Nẵng.

P.V: Một thói quen tốt sẽ hình thành nên một tính cách, một nhân cách tốt. Tuy nhiên, thói quen thường rất khó bỏ. Theo anh, yếu tố quan trọng để xây dựng và hình thành nên những thói quen tốt đối với mọi người nói chung, giới trẻ, HS-SV nói riêng là gì ?

ThS Nguyễn Đức Tiến: Đúng là thói quen thường rất khó bỏ, bởi nó được hình thành từ bé. Vì thế, cần phải xây dựng, hình thành những thói quen tốt từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày của mỗi một con người và cuộc sống xung quanh.

Theo tôi, hình thành và xây dựng những thói quen tốt cho mọi người, trong đó có giới trẻ, HS-SV, điều cơ bản đầu tiên phải từ chính ý thức, nhận thức của mỗi người. Theo đó, đối với các bạn trẻ, điều quan trọng là phải nhận thức được vấn đề và nhìn nhận được những vấn đề xung quanh bản thân mình. Bên cạnh đó, cần phải có môi trường để các bạn trẻ nói chung, HS-SV nói riêng phát huy được những nhận thức đó, đặc biệt là các vấn đề gắn với văn hóa, văn minh... Quan trọng hơn nữa, bản thân mỗi bạn trẻ phải thấy được những điều còn vướng mắc để tìm cách khắc phục nó.

Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn một bộ phận HS-SV nói riêng, các bạn trẻ nói chung thờ ơ, bàng quan với cuộc sống xung quanh, có những hành vi, cử chỉ chưa được đẹp ngay trong giảng đường, trường học. Vì vậy, mục đích của cuộc thi "Việt Nam trong mắt tôi" hướng đến là: Thông qua việc chọn ra những clip có nội dung hay, sáng tạo đưa lên những kênh truyền thông dành cho HS- SV, thanh niên để giúp các bạn trẻ  nhìn thấy những hình ảnh, việc làm tốt xung quanh mình để tự điều chỉnh hành vi chưa đẹp của mình; đồng thời có ý thức, nhận thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan xung quanh.

P.V: Về phần mình, Đoàn ĐHĐN đã có những biện pháp gì nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, nhận thức của SV trong việc bảo vệ, giữ gìn, cải thiện môi trường, phát huy nhân rộng những việc làm văn minh, hạn chế những thói quen xấu trong xã hội?

ThS Nguyễn Đức Tiến:  Với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐHĐN đã, đang tổ chức thực hiện những việc làm sau đây: Tuyên truyền trực quan thông qua những băng rôn, áp phích giới thiệu chương trình SV 5 tốt, chương trình giới thiệu, rèn luyện đoàn viên mới; chương trình 8 điều đoàn viên thanh niên nên làm và không nên làm. Tuyên truyền sâu rộng ý thức việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan đô thị nơi mình đang học. Thường xuyên tổ chức những hoạt động lành mạnh bổ ích để đoàn viên, thanh niên có thể tham gia cùng giữ gìn cảnh quan môi trường đô thị như: "Thứ bảy tình nguyện", Chủ nhật xanh, sạch, đẹp... Tạo môi trường để các bạn gắn kết, chia sẻ bằng cách thông qua các trang web, diễn đàn và tuyên dương các cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu để các bạn trẻ noi theo...

P.V: Hầu hết mọi cuộc phát động phong trào đều có ý nghĩa hay, đẹp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy khi phát động thì rất rầm rộ, nhưng thực hiện càng về sau càng đuối dần, không được xuyên suốt, liên tục. Theo anh, đâu là nguyên nhân? 

ThS Nguyễn Đức Tiến: Đúng là có những phong trào khi phát động rất hoành tráng nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Tuy nhiên, để mỗi phong trào phát động duy trì, phát huy được hiệu quả bền vững, có một cái "kết đẹp" phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là yếu tố về con người. Đứng về công tác Đoàn, phải có những cán bộ Đoàn nòng cốt, tâm huyết, truyền và tạo được sự lan tỏa của phong trào đi vào trong các bạn trẻ. Yếu tố thứ hai là vấn đề hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất để xây dựng, phát triển phong trào đó. Và một yếu tố không kém phần quan trọng là ý thức của các bạn đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia phong trào. Mặt khác, hình thức tuyên truyền, quảng bá cho các phong trào cũng phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, xuyên suốt.

Thực tế cho thấy, có nhiều hoạt động phong trào đoàn đã tạo được dấu ấn và tiếng vang, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, cũng có một số phong trào hoạt động cầm chừng, chưa thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Điều này một phần phụ thuộc vào yếu tố do hiện nay giới trẻ có nhiều kênh giải trí; áp lực trong việc học tập khiến các bạn HS-SV phải dành nhiều hơn... Mặt khác, cần công tâm để thấy rằng, sở dĩ có một số phong trào không thu hút được giới trẻ bởi nó còn phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của mỗi người. Nguyên nhân khác nữa là cách thức tuyên truyền của chúng ta còn nhiều hạn chế.

P.V: Để tạo được sự lan tỏa trong việc xây dựng, hình thành một nếp sống đẹp cho mọi đối tượng trong xã hội, cái khó nhất của BTC khi tổ chức cuộc thi này là gì?

ThS Nguyễn Đức Tiến: Mục đích lớn nhất của cuộc thi là muốn các bạn HS-SV, thanh niên, giới trẻ thấy được những vấn đề hạn chế của bản thân nói riêng, của đất nước nói chung. Từ việc nhận thức được những vấn đề còn tồn tại đó, các bạn có những thay đổi, điều chỉnh hành vi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cái khó nhất để thực hiện việc này là sau khi chọn được những clip có chất lượng về nội dung tốt, chúng ta giới thiệu clip, truyền thông clip này như thế nào để đến được với đại bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ.

P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi! Chúc cuộc thi sẽ tìm ra được những clip có nội dung hay, sáng tạo và truyền thông được đến với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

P.Thủy

(thực hiện)