Cần kết hợp giữa "ba nhà" trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, di tích
Tham dự sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải được UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 29-3, GS-TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam- đã chia sẻ với báo giới Đà Nẵng về câu chuyện bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích ở Đà Nẵng.
GS.TSKH Vũ Minh Giang trao đổi với báo chí Đà Nẵng xung quanh câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của các di tích, di sản, trong đó có Thành Điện Hải. Ảnh: P.T |
Phải phát huy được giá trị của di sản Thành Điện Hải
Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, Thành Điện Hải là chứng nhân ghi nhận một bước ngoặt của lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam thường lấy mốc năm 1858 như là một giai đoạn mới, một thời kỳ mới trong phân kỳ lịch sử. Từ đây, nước ta tiếp xúc với phương Tây. Đây cũng là nơi ghi lại chiến công của quân dân Việt Nam lúc đó, đặc biệt là quân dân Đà Nẵng trong một chiến thắng có thể nói là hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp do triều Nguyễn tổ chức. Thành Điện Hải còn là dấu tích ghi nhận quá trình giao thoa Đông-Tây, sau đó thiết lập ách cai trị của chủ nghĩa thực dân trong một thời gian rất dài. Vì thế, di tích Thành Điện Hải có ý nghĩa nhiều tầng, nhiều lớp.
Theo đó, không nên nhìn nhận Thành Điện Hải như là một tòa thành cổ đến chỉ để chiêm ngưỡng, hoài cổ, hay để xem lại một kiến trúc xưa, kể cho nhau nghe những câu chuyện thời kháng Pháp để suy tư mà thôi. Mà đây đã trở thành di sản văn hóa nổi tiếng. Vì thế, phải làm sao để một mặt có thể phát huy giá trị giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc...,đồng thời phải làm sao để chứng nhân lịch sử này sống cùng với chúng ta. Theo đó, đặt ra cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà đầu tư phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc đối với di sản nổi tiếng này. Nếu chúng ta nhìn di sản văn hóa như là một tài nguyên thì phải biết nâng niu, biết khai thác nó một cách trí tuệ dựa trên nền tảng khoa học. Nói khác đi, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, cần có sự kết hợp của 3 nhà: Nhà nghiên cứu, Nhà quản lý và nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nghiên cứu thì chỉ ra những giá trị đích thực, cách thức để bảo tồn và phát huy. Nhà quản lý thì phải có hành lang thế nào đó để vừa bảo tồn vừa phát triển. Nhà đầu tư thì không chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà phải vì sự bền vững trong khai thác, sử dụng các di sản...
Việc Thành Điện Hải được công nhận di sản quốc gia đặc biệt và khởi công dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa-lịch sử, cần có phương án lâu dài. Và đây là một bài toán không hề đơn giản. Cũng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, có thể học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới. Trên thế giới, những di tích gắn với thời cận đại rất nhiều. Đây là thời kỳ chuyển giao từ xã hội phong kiến sang xã hội hiện đại, gắn với các sự kiện lịch sử. Theo đó, cuộc tấn công của liên quân Pháp- Tây Ban Nha vào Đà Nẵng không phải là chuyện của riêng nước ta mà cả thế giới đều biết. Sự kiện này trong sách vở của nhiều nước đều có. Cho nên, ông kỳ vọng, cùng với việc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Thành Điện Hải sẽ càng nổi tiếng hơn, hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Điều này cũng đặt ra những áp lực mới cho Đà Nẵng trong việc làm sao để tránh tình trạng làm di tích quá tải. Cần có sự tính toán để di sản nổi tiếng này tham gia vào cuộc sống hôm nay, mai sau của nhân dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung...
Nguyên tắc chung của bảo tồn là phải đảm bảo tính nguyên trạng
Liên quan đến câu hỏi về quan điểm, ý định di dời các di tích ở Nam Ô (Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào một nơi tập trung có phải là quan điểm đúng trong công tác bảo tồn, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, quan điểm của UNESCO khi đã gọi là di sản thì yêu cầu số một là tính nguyên trạng. Theo đó, nguyên tắc chung của bảo tồn là tính nguyên trạng. Nếu cứ nói "quý đấy, không bỏ", nhưng gom vào chỗ nào đấy...là không ổn! Cũng theo ông Minh Giang, hay có nhận thức rằng, phát triển là chuyển động nên phải có giải phóng mặt bằng, tạo ra những kích khối có quy mô lớn, có chiều cao... Về nhiều mặt, nó tương phản với việc bảo tồn các giá trị cũ mong manh, dễ bị tổn thương. Cho nên, để bảo tồn được các di sản mà vẫn không ảnh hưởng đến việc phát triển là bài toán khó và cần phải có sự kết hợp giữa "ba nhà" đã nêu trên... Cũng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trong quá trình tu bổ, tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử, giới thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng, là người điều hòa, thấy có vấn đề là phải nêu ý kiến, hỏi các ý kiến chuyên gia để có tiếng nói phản biện... Bên cạnh đó, cũng cần phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân...
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, Hội đồng di sản quốc gia là cơ quan, tổ chức của Thủ tướng có trách nhiệm thẩm định các dự án, di tích di sản. Đây đồng thời là tổ chức được Thủ tướng giao cho việc giám sát quá trình trùng tu, tôn tạo để phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của các di sản, di tích; kịp thời đưa ra những ý kiến tư vấn, khuyến cáo, thậm chí trong những lúc cần thiết sẽ có những nhắc nhở về phương diện pháp lý đối với quá trình cải tạo, khai thác chưa thật đúng đối với di sản.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác bảo tồn các di sản, di tích của Đà Nẵng, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, xét về mặt nào đó thì Đà Nẵng là một TP tương đối trẻ, không có nhiều di tích cổ. Điều đó không có nghĩa là không có áp lực. Ở đây áp lực là di tích hiếm hoi nên rất quý. Đơn cử, Ngũ Hành Sơn mới chỉ xem như là thắng cảnh thôi, nhưng thực ra trong đó chứa đựng nhiều di sản văn hóa, lịch sử...
P.Thủy (ghi)