Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Cần làm gì khi bị review không đúng sự thật?

Thứ hai, 04/09/2023 15:11
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong

Hành vi review không đúng sự thật

Hiện tượng các tiktoker, youtuber (là người dùng nền tảng và mạng xã hội sáng tạo và đăng tải những video ngắn về chủ đề nào đó) chuyên đến các quán ăn, các điểm vui chơi giải trí lưu trú để review đã và đang diễn ra rất phổ biến. Việc làm này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Có người phản đối vì món ăn hay dịch vụ là tùy khẩu vị, sở thích mỗi người; do đó không thể chỉ dựa theo đánh giá chủ quan của các tiktoker, youtuber mà kết luận về chất lượng món ăn, dịch vụ đó. Cũng có nhiều người đồng tình vì nhờ thế khách hàng có them nguồn thông tin thể lựa chọn nơi phục vụ tốt nhất với mình.

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Bởi đây là quyền tự do ngôn luận của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Các Tiktoker, Youtuber cũng là khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ đó nên việc đưa ra đánh giá là bình thường.

Căn cứ khoản 4 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Do đó, việc review sản phẩm, dịch vụ không phải là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu cố tình review sai sự thật, gây thiệt hại cho người khác, thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi review không đúng sự thật

1. Trách nhiệm hành chính

Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có hành vi cố tình thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 99, Điều 100, Điều 101, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau:

“Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 99.”

“Vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 100.”

“Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 101.”

“Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo các quy định vừa nêu, tùy vào mức độ, việc review sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng hoặc các mức phạt tương ứng như trên.

2. Trách nhiệm dân sự

Đối với hành vi review sai sự thật của các reviewer xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp, pháp luật có quy định thế nào? Tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và cá nhân có quyền yêu cầu Toà án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của mình. Ngoài ra, người bị ảnh hưởng còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ để xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cũng được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 gồm các căn cứ như: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc vị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, hành vi review sai sự thật và gây thiệt hại là hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và có thể chịu các chế tài theo quy định pháp luật. Các cá nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, để có thể khởi kiện và được Toà án chấp nhận giải quyết, người khởi kiện cần thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện của mình, chứng minh rằng hành vi của các reviewer gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và gây thiệt hại cho việc kinh doanh của mình.

3. Trách nhiệm hình sự

Ngoài trách nhiệm hành chính và dân sự như vừa phân tích ở trên, tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, cơ quan chức năng còn có thể sẽ làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp, nếu tính chất mức độ của hành vi vi phạm là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu sản phẩm thì các cửa hàng, quán ăn, nhãn hàng… có thể tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự như: tội vu khống (Điều 156); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)…

Người tố giác cần cung cấp cụ thể các tài liệu, bằng chứng để cơ quan điều tra làm rõ các hành vi vi phạm như: hành vi bịa đặt, loan truyền những điều sai sự thật, vu khống, hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông... Đồng thời, cần cung cấp các bằng chứng để chứng minh thiệt hại do các hành vi trái pháp luật đó gây ra như: hóa đơn chứng từ liên quan việc bị thiệt hại, sự sụt giảm doanh thu, thiệt hại về kinh tế, bị khách hàng từ chối sản phẩm, hủy hợp đồng liên quan… Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù việc bị ảnh hưởng và thiệt hại là có thật nhưng việc thu thập bằng chứng và chứng minh hành vi vi phạm này không đơn giản và mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự am hiểu tương đối về lĩnh vực công nghệ cũng như pháp luật.

Chủ sở hữu sản phẩm, dịch vụ cần làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình?

Việc review không đúng sự thật gây ảnh hưởng rất lớn đến các chủ quán, nhà hàng, cơ sở kinh doanh. Hiện nay, tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội điển hình như Tiktok, Facebook, Instagram là cực kỳ nhanh chóng, chỉ cần vài phút sau khi đăng, một video có thể thu hút hàng nghìn lượt xem và trong thời gian ngắn sau đó có thể lên “xu hướng” với hàng triệu lượt xem, kèm theo hàng vạn bình luận. Với sự lan truyền chóng mặt như vậy, chúng ta có thể hiểu rất rõ nếu nội dung video đó là việc review không đúng sự thật về món ăn, đồ uống của một quán ăn nào đó thì hậu quả sẽ như thế nào? Người xem bao giờ cũng có phần bị động và khá nhiều người dễ dàng rơi vào tình trạng mà ngày nay các bạn trẻ hay nói đùa là “bị thao túng tâm lý”, rất dễ tin vào những video “xu hướng” như vậy và để lại những bình luận không hay, và cứ thế người xem sau đọc và lại theo cách làm của người xem trước, dẫn tới điều đáng sợ nhất là cửa hàng, quán ăn đó bị tẩy chay, mất khách, công việc kinh doanh bị thua lỗ, thậm chí là phá sản chỉ trong một thời gian rất ngắn mà chủ sở hữu còn chưa kịp trở tay. Vậy, để hạn chế sự việc không hay như vậy xảy ra, các chủ sở hữu cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Đầu tiên, khi tiếp nhận thông tin các reviewer đăng video, đăng bài review sai sự thật, chủ sở hữu cần có hành động bằng việc làm video, bài đăng đính chính thông tin, nhằm mục đích cung cấp một luồng thông tin chính thức của người trong cuộc, giúp giảm bớt sự “hùa” theo của cộng đồng mạng, giúp người xem tỉnh táo khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào. Nội dung video cần sự chân thành, nghiêm túc, tránh thái độ chỉ trích, hằn học có thể gây phản tác dụng.

Tiếp theo, cần lưu lại thông tin những video, bài đăng review sai sự thật đó; chỉ rõ những điều mà chủ quán cho rằng là sai sự thật, chuẩn bị các căn cứ chứng minh cho hành vi sai trái đó. Sau khi thu thập đầy đủ, có thể cung cấp toàn bộ thông tin và bằng chứng đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh tính chất mức độ của hành vi vi phạm là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu sản phẩm thì các cửa hàng, quán ăn và nhãn hàng có thể tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự như đề cập ở trên.

Cách thức xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Trong trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc hành vi phạm tội vừa kết thúc thì bị phát hiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi diễn ra hành vi phạm tội hoặc Công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất.

Trong trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Đối với các trường hợp khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh hoặc Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc nơi phát hiện tội phạm, nơi cư trú của người bị tố giác, báo tin.

Cơ quan, tổ chức kiến nghị khởi tố đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc nơi phát hiện tội phạm, nơi cư trú của người bị kiến nghị khởi tố.

Ngoài ra, các chủ sở hữu có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của mình, yêu cầu reviewer có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425