Báo Công An Đà Nẵng

Cần nâng cao hiệu quả các tuyến buýt trợ giá trước khi mở thêm 5 tuyến mới

Thứ bảy, 26/02/2022 16:35

Đà Nẵng đang triển khai để mở thêm 5 tuyến buýt trợ giá mới, trong khi 11 tuyến cũ hiệu quả hoạt động chưa cao, ít người tham gia, mỗi năm phải chi phí hàng chục tỷ đồng trợ giá.

Trước khi triển khai thêm 5 tuyến buýt trợ giá mới Đà Nẵng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của 11 tuyến buýt trợ giá hiện có.

Với mục tiêu giảm phương tiện giao thông cá nhân, tránh ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm, Đà Nẵng đã đầu tư phát triển mạnh hệ thống xe buýt. Theo đó, TP hiện có 11 tuyến buýt trợ giá với tổng chiều dài khoảng 222km và 147 xe buýt 40 chỗ vận hành (thời gian hoạt động từ 5 giờ 30 đến 21 giờ, tần suất giờ cao điểm 10 phút/chuyến, bình thường 20 phút/chuyến). Ngoài ra, Đà Nẵng cũng phát triển khoảng 775 điểm dừng (trong đó 567 điểm dừng và 202 nhà chờ, khoảng cách trung bình các điểm dừng, nhà chờ trên từng tuyến là 300m - 500m). TP cũng có 18 điểm đầu cuối trong đó có 8 điểm được xây dựng kiên cố, 2 điểm kết hợp với bến xe, 8 điểm còn lại là các bãi đỗ xe kỹ thuật để chờ khách trước khi vào lượt chạy. 

Để quản lý cơ sở hạ tầng, phát huy hiệu quả các tuyến buýt trợ giá, Sở GTVT thường xuyên tổ chức khảo sát, bố trí các điểm dừng cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời khắc phục kịp thời các điểm dừng hư hỏng để đảm bảo các tuyến buýt hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, Sở cũng kiểm tra hiện trường để xử lý các trường hợp chiếm dụng điểm dừng, nhà chờ; cập nhật các thay đổi liên quan đến lộ trình, điểm dừng của 11 tuyến buýt có trợ giá; giám sát hoạt động của 11 tuyến thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe từ 5 giờ 30 đến 19 giờ 30 hàng ngày. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện có tình trạng xe xuất bến trễ, bỏ chuyến lượt, không dừng tại trạm để đón trả khách. Văn hóa ứng xử người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chưa được chuyên nghiệp, vẫn còn một số ít bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ xe chưa niềm nở, nhiệt tình hỗ trợ hành khách. 

Trước thực trạng đó, Sở GTVT đã tiến hành xây dựng lại mạng lưới xe buýt cho phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của người dân, đặc biệt ở các tuyến kết nối, tuyến gom. Trong đó, tăng khả năng tiếp cận với nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng xe buýt như học sinh, sinh viên, khách du lịch, người lao động ngoài khu vực trung tâm TP. Nhờ đó, số lượng trường hợp tiếp cận tăng gần 50% từ 39 vị trí lên 58 vị trí. Riêng khu trung tâm hành chính tăng thêm 5 vị trí; bến xe, khu đô thị, khu công nghiệp tăng thêm 5%, số lượng bệnh viện tăng thêm 35% so với mạng lưới tuyến hiện trạng. Trong thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng với nhau giúp khách chuyển tuyến một cách dễ dàng. Đầu tư hệ thống bãi đỗ xe dành cho phương tiện cá nhân trên dọc các trục tuyến xe buýt đi qua để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách gửi xe, tham gia giao thông bằng xe buýt. Đặc biệt, Sở sẽ cho triển khai hệ thống vé QRcode ETicket dành cho vé tháng. Người dân chỉ cần ở nhà, lên mạng đăng ký mua trực tuyến sẽ được cung cấp một mã QRcode và sử dụng mã đó để lên xe buýt trong tháng đó, thuận tiện cho người dân và tiết kiệm chi phí in ấn, làm thẻ vé, đồng thời quản lý doanh thu tốt hơn. 

Theo đánh giá, hệ thống xe buýt của Đà Nẵng mặc dù có sự đầu tư thích đáng, song thực tế hoạt động còn chưa phát huy hiệu quả, chưa làm đúng vai trò vận tải công cộng chủ lực. Mạng lưới tuyến buýt trợ giá hiện trạng còn chưa hợp lý, tính bao phủ của mạng lưới tuyến còn mỏng, khả năng kết nối giữa các tuyến còn hạn chế, hành khách phải chuyển tuyến làm tăng thời gian chuyến đi. Mặt khác, khoảng cách điểm dừng nhà chờ trên một số đoạn tuyến xe buýt còn xa so với điểm thu hút phát sinh; tỷ lệ hành khách trên mỗi lượt xe còn thấp so với khả năng đáp ứng của phương tiện…

Mặc dù vậy, hiện Đà Nẵng vẫn đang chuẩn bị để triển khai thêm 5 tuyến xe buýt trợ giá giai đoạn 2 (2022-2027). Tổng kinh phí dịch vụ cho 5 tuyến buýt trợ giá trong 5 năm gần 193 tỷ đồng. Sở GTVT sẽ tham mưu cho TP để thông qua đề án điều chỉnh tổng thể mạng lưới xe buýt trợ giá trên địa bàn TP cũng như tiếp tục triển khai 5 tuyến buýt trợ giá trong giai đoạn 2; phê duyệt dự toán dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2; phát triển thêm 4 tuyến buýt mới trong giai đoạn từ nay tới 2025. Tuy vậy, trước khi triển khai tiếp các tuyến buýt trợ giá mới để đảm bảo phát huy hiệu quả, giá trị đầu tư, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của 11 tuyến buýt trợ giá hiện có. Làm sao các tuyến buýt trợ giá hiện có thu hút được đông người đi, trở thành phương tiện vận tải công cộng chủ lực, góp phần giảm tải phương tiện giao thông cá nhân, tránh ùn tắc giao thông khu vực nội đô, nhất là giờ cao điểm.

HẢI QUỲNH