Cân nhắc các thuật ngữ mới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
(Cadn.com.vn) - Ngày 24-10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận lần cuối về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần thứ 3 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội xem xét sau khi tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào 10 vấn đề lớn của dự thảo.
Sử dụng thuật ngữ “vật quyền” trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua các lần thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định về vật quyền, quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt... của dự thảo rất khó hiểu mà nội hàm không khác nhiều so với các quy định hiện hành. Do đó, đề nghị không nên sử dụng các thuật ngữ mới nếu những thuật ngữ trong Bộ luật Dân sự hiện hành đã trở nên thông dụng, không có gì vướng mắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm khái niệm “vật quyền” trước đây đã được sử dụng trong tương quan với “trái quyền ”. Tuy nhiên, khi tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để xây dựng Bộ luật Dân sự năm 1995 thì cả hai khái niệm này đã không còn được sử dụng vì không phù hợp với các khái niệm pháp lý khác, không diễn tả được đầy đủ nội hàm và không bảo đảm thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật dân sự nước ta. Nếu việc xây dựng chế định vật quyền dựa trên lý thuyết quyền trực tiếp đối với vật sẽ không phù hợp trong điều kiện tài sản hiện nay không chỉ gồm vật mà còn gồm tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản. Hơn nữa, nếu xác định quyền sở hữu là vật quyền trung tâm, thì giới hạn của quyền sở hữu càng không thể chỉ ở sở hữu đối với vật. Do đó, việc sử dụng khái niệm “vật quyền” là không phù hợp với chế định tài sản mà Bộ luật Dân sự đang điều chỉnh.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng khái niệm mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm tính logic về bố cục và nội dung, rõ ràng, thuận tiện, dễ áp dụng trong đời sống xã hội và trong quá trình xét xử khi xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan cho thấy đa số ý kiến đề nghị không sử dụng khái niệm vật quyền . Vì vậy, đề nghị không sử dụng khái niệm “vật quyền” và cho chỉnh lý Phần thứ hai “Quyền sở hữu và vật quyền khác” thành “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản”; “quyền địa dịch” được chỉnh lý thành “Quyền đối với bất động sản liền kề”, chỉnh lý các nội dung của quyền hưởng dụng, quyền bề mặt theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và quy định các nhóm quyền này tại Chương XIV mới “Quyền khác đối với tài sản”.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) quy định: Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật bao gồm cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “chủ thể khác” sau cụm từ “ cá nhân, pháp nhân ” tại Điều 1 của dự thảo như quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành để điều chỉnh cả trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá một trong những quan điểm sửa đổi cơ bản của Bộ luật Dân sự là quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân; đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định các đối tượng này tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật này, pháp luật khác có liên quan; các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện tham gia, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung. Quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhằm minh bạch các chủ thể có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và năng lực chủ thể pháp luật dân sự chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân.
T.Thủy – TTXVN