Báo Công An Đà Nẵng

Cần “nội luật hóa” các công ước quốc tế về quyền tự do tôn giáo

Thứ tư, 27/11/2019 08:28

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước- Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Tôn giáo với các vấn đề về quyền con người" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 26-11 tại Hà Nội.

Với nhiều tham luận, ý kiến phát biểu xung quanh các nội dung về quyền con người và quyền tự do tôn giáo; quan điểm của các tôn giáo về quyền con người; đánh giá về quyền con người và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Hội thảo còn cho thấy: Việc giải quyết quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam có nhiều thay đổi từ năm 1990 đến nay.

Bên cạnh việc coi tự do tôn giáo là một quyền hiến định, Việt Nam đã có khung pháp luật về quyền này khá rõ ràng. Nhà nước luôn tạo điều kiện và hỗ trợ người dân thực hành quyền tự do tôn giáo. Do vậy, các tôn giáo ở Việt Nam đang được sống đời sống tôn giáo và đời sống xã hội ngày một hồ hởi hơn, sống động hơn trong bầu không khí chung của sự đồng thuận xã hội ngày càng mở rộng.

Cho rằng cần nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền tự do tôn giáo và việc thực thi ở Việt Nam hiện nay, Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa (Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Điều này rất quan trọng, nếu không sẽ không có Nhà nước pháp quyền. Bởi không phải lúc nào quyền tự do tôn giáo cũng là quyền tự do cá nhân và tự do con người.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa: Hiện nay, cách tiếp cận quyền tự do tôn giáo giữa phương Đông và Phương Tây là rất khác biệt. Nếu nước phương Đông xem tôn giáo là văn hóa và từ đó quyền tự do tôn giáo là quyền tự do về văn hóa, tín ngưỡng thì các quốc gia phương Tây lại xem xét đó là quyền riêng tư, thậm chí là quyền tự do chính trị, mang tính chính trị rất lớn.

HẠNH QUỲNH