Báo Công An Đà Nẵng

Cần quản lý, xây dựng các công trình nước sạch hiệu quả

Thứ bảy, 18/08/2018 15:30

Hiện nay, mỗi ngày có hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đang  thiếu nguồn nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch được quy hoạch, xậy dựng chưa hợp lý dẫn đến bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí tài sản của Nhà nước, khiến người dân bức xúc.

Nguồn nước sinh hoạt ở xã Đại Hưng, H. Đại Lộc đang bị nhiễm phèn nghiêm trọng.

Hàng loạt công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả

Theo thống kê của Chi cục thủy lợi Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 545 công trình cấp nước sạch nằm rải rác trên 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, UBND cấp xã quản lý 472 công trình, Hợp tác xã dịch vụ quản lý 40 công trình, tư nhân quản lý 12 công trình, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam quản lý 8 công trình, Doanh nghiệp quản lý 10 công trình, và 3 công trình được quản lý theo hình thức khác. Tuy nhiên, trong 545 công trình cấp nước sạch này chỉ có 85 công trình hoạt động hiệu quả bền vững, 238 công trình hiệu quả sử dụng trung bình, 150 công trình hiệu quả sử dụng thấp, còn 72 công trình không hoạt động.

Lý giải về vấn đề này, ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng, đa số các công trình cấp nước ở các huyện miền núi hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là do vị trí xây dựng và công tác quản lý chưa phù hợp dẫn đến hiệu suất hoạt động của công trình cấp nước tập trung thấp. Ngoài ra, còn ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt tác động dẫn đến công trình nhanh hư hỏng,  xuống cấp. "Trong thời gian đến, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng, sau đó xây dựng các phương án để xử lý phù hợp đối với những công trình bị ô nhiễm, hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Cụ thể, đối với các công trình bị ô nhiễm sẽ xem xét mức độ ô nhiễm, nguồn gốc gây ô nhiễm sau đó để tìm biện pháp giải quyết. Các công trình hư hỏng nhẹ, người dân vẫn có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt thì có kế hoạch sửa chữa tiếp tục quản lý, vận hành.  Còn những công trình đang hoạt động hiệu quả thì tiếp tục nghiên cứu đầu tư giải pháp công nghệ mới để sử dụng hiệu quả hơn" - ông Tý nói.

Những trẻ em gia đình khó khăn hằng ngày phải sử dụng nước bị nhiễm phèn.

Người dân thiếu nước sạch

Trong khi nhiều công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả phải bỏ hoang thì hàng ngàn hộ dân ở các xã Đại Minh, Đại Hưng (H. Đại Lộc);  xã Phú Thọ, Quế Thuận (H. Quế Sơn); xã Quế Lâm, Quế Phước, Phước Ninh (H. Nông Sơn); xã Bình Lãnh, Bình Định Nam, Bình Định Bắc (H. Thăng Bình); xã Chà Vàl, Đắc Pre, Đắc Pring, La Êê, Chơ Chun (H. Nam Giang, Quảng Nam)... lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra nguồn nước bị nhiễm phèn trên địa bàn thôn, ông Phạm Thành Trung, Trưởng thôn Trúc Hà (xã Đại Hưng) cho biết, hiện trong thôn có 543 hộ dân nhưng đã có 2/3 hộ đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. "Là xã miền núi, điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn nên nguồn nước này vẫn được dùng để rửa rau và đun nấu. Người dân nơi đây rất lo lắng, mong chờ từng ngày có được nguồn nước sạch để sử dụng, mong cấp trên xem xét tạo điều kiện"- ông Trung trăn trở. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết, lãnh đạo chính quyền địa phương rất quan tâm, tại các cuộc tiếp xúc cử tri có lãnh đạo huyện, tỉnh tham dự địa phương đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên. Theo đó, các ban ngành liên quan  đã có chuyến khảo sát, ghi nhận tình trạng nguồn nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng ở các thôn Mậu Lâm, An Tân, An Điềm, Đại Mỹ và một số khu vực của thôn Trung Đạo và Trúc Hà. Nhưng do kinh phí thực hiện dự án rất lớn nên đến nay vẫn chưa được cấp trên phê duyệt, triển khai.

Còn ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, năm 2013 trên địa bàn xã cũng đã triển khai dự án xây dựng công trình nước sạch với số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng. Trước khi đi vào triển khai, ban quản lý dự án đã kiểm tra mẫu nước và thấy đạt, tuy nhiên lúc hoàn thành đưa đường ống vào và bơm nước lên thì nguồn nước đó lại không đảm bảo, không sử dụng được nên công trình đành phải dừng lại, bỏ không đến nay. "Xã Đại Minh có 3 thôn Quảng Huệ, Tây Gia và Phú Mỹ có nguồn nước bị nhiễm phèn rất nghiêm trọng. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp cao hơn hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên vẫn chưa được thực hiện. Xã Đại Minh mong muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc cấp nước sạch"- ông Năm nói.

Hiện tại, cuộc sống người dân những địa phương trên gặp rất nhiều khó khăn. Việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trong suốt thời quan dài dẫn dến nhiều người đã và đang mắc phải nhiều căn bệnh nan y, luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Thiết nghĩ chính quyền tỉnh Quảng Nam cần quan tâm hơn nữa, sớm có biện pháp thiết thực để khắc phục tình trạng này.

LÊ VƯƠNG